Công nghiệp

Giải bài toán khan hiếm vật liệu san lấp tại Hải Dương thế nào?

THÀNH LONG 31/07/2024 06:00

Giá vật liệu san lấp tại các công trường thi công ở Hải Dương liên tiếp tăng đột biến so với dự toán đã được phê duyệt do nguồn cung khó khăn, phí vận chuyển cao… Khó khăn này cần sớm được tháo gỡ.

00:00

img-0293.jpg
Thiếu vật liệu san lấp đang là một khó khăn lớn đối với các nhà thầu thi công ở Hải Dương

Nhà thầu lo lỗ

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 (đoạn từ km16+750-km23+920) nhằm thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đường có quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 60km/giờ, ước tính toàn bộ dự án sử dụng khoảng 150.000 m3 cát, 70.000 m3 đất và 30.000 m3 đá bây.

“Toàn bộ cát san lấp sử dụng cho công trình phải mua từ các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, đất đồi chủ yếu mua từ Bắc Giang… Do đường vận chuyển xa nên giá cát về tới công trường thi công lên thành 190.000 đồng/m3, tăng khoảng 50% so với dự toán được duyệt”, ông Bùi Thanh An, Kế toán trưởng của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng, nhà thầu thi công dự án thông tin.

395f-sua-.png
Việc nâng cấp mở rộng đường tỉnh 395 trên địa hình phức tạp, cần lượng cát và đất san lấp lớn nhưng nguồn cung khó khăn nên công trình đang bị chậm tiến độ

Khởi công từ tháng 11/2023, nhưng công trường nâng cấp đường tỉnh 395 đã từng phải dừng thi công trong 3 tháng do khó khăn về vật liệu san lấp. “Chúng tôi đang phải tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư giải phóng nốt các công trình điện để tăng tốc hoàn thành nâng cấp đường tỉnh 395 đúng hợp đồng. Chi phí thi công tới thời điểm này cho thấy hợp đồng này có thể bị lỗ”, ông Bùi Danh Biển, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng chia sẻ.

Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương dài hơn 36 km qua địa phận các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ được tập trung thi công từ tháng 7/2022 đến đầu năm 2024 với sự tham gia của nhiều nhà thầu xây dựng. Cũng như thực trạng chung ở nhiều công trường xây dựng trong tỉnh, có những thời điểm các gói thầu đều bị chậm tiến độ từ 2 - 3 tháng so với dự kiến. Thiếu vật liệu xây dựng, giá cả tăng đột biến khiến các nhà thầu đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ khi thực hiện công trình. Thời gian thực hiện dự án kéo dài kéo theo hàng loạt chi phí khác như nhân công, quản lý dự án...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên do khó khăn trong cung ứng vật liệu san lấp. Theo đại diện các nhà thầu lớn như Công ty CP Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Bạch Đằng - Đà Nẵng, Công ty CP Falcon Việt Nam… nhiều lúc cao điểm trong thi công nhưng các nhà thầu cung cấp vật liệu chỉ có thể cung ứng được 50-60% nhu cầu thật của công trường. Bên cạnh đó, mùa thi công thường tập trung vào cuối năm cũng góp phần làm tăng độ khan hiếm vật liệu san lấp, đồng thời cũng đẩy giá tăng mạnh.

“Do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế nên giá vật liệu biến động rất lớn, cao hơn so với giá nhà thầu được thanh toán. Nhiều công trường đã sẵn sàng về vốn nhưng cũng khó mua được đủ vật liệu để bảo đảm tiến độ thi công”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nói.

Tháo gỡ thế nào?

DK HD (2)
Thiếu vật liệu xây dựng, giá cả tăng đột biến khiến các nhà thầu đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ khi thực hiện công trình

Trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2024 có 52 công trình, dự án được phân bổ vốn, trong đó có nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông như các cầu Tân An, Cậy, Vạn và đường dẫn; đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện và đoạn đường 394B kết nối với đường 395; nút giao kết nối quốc lộ 17B với đường 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng; đường tránh quốc lộ 37 qua thị trấn Gia Lộc…

“Vật liệu san lấp sử dụng cho các công trình giao thông thường phải là đất đồi, cát có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng từ… Trong khi trên địa bàn Hải Dương hiện chưa có mỏ cát nào hoạt động và nguồn đất đồi cũng chỉ còn hạn hẹp. Chưa kể, đất đồi sau khai thác còn phải qua sàng tuyển mới bảo đảm chất lượng theo quy định sử dụng cho công trình”, ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm.

Theo đại diện Sở Xây dựng, nhu cầu về vật liệu san lấp toàn tỉnh tạm tính là trên 102 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 219 triệu m3 đến năm 2030. Để góp phần tăng nguồn vật liệu san lấp, ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận thay thế cát, đất san lấp một số khu công nghiệp Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng… bằng các nguồn tro xỉ nhiệt điện từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện BOT Hải Dương với khoảng 2 triệu m3/năm.

Phucdien 4
Nhờ thay thế kịp thời bằng tro xỉ nhiệt điện nên khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng đã san lấp mặt bằng nhanh, thuận lợi giao đất cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy

“Nhờ thay thế kịp thời bằng tro xỉ nhiệt điện nên chúng tôi đã đẩy nhanh được tiến độ san lấp mặt bằng, thuận lợi ký hợp đồng thuê trên 100 ha đất với 12 nhà đầu tư, bằng khoảng 70% diện tích đất được cho thuê sản xuất, kinh doanh”, bà Đinh Thị Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng cho biết.

Sở Tài nguyên và Môi trường cùng liên ngành đã xây dựng phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, năm 2023, Hải Dương đã đấu giá thành công quyền khai thác 5 mỏ với trữ lượng khoảng 12,296 triệu m3 vật liệu xây dựng thông thường. Trước đó có 3 mỏ đang cấp nguồn vật liệu san lấp ra thị trường với trữ lượng 2,81 triệu m3. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục để đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất đồi Đại Bộ với diện tích 45,455 ha, trữ lượng dự kiến 16,09 triệu m3 tại TP Chí Linh. Tỉnh còn 4 mỏ đất đồi: Hang Hổ, Ông Sao, Vọng Vắt và Hố Đa (đều ở TP Chí Linh) có trữ lượng khoảng 13,2 triệu m3 sẽ đưa vào đấu giá sau khi đóng cửa mỏ.

“Đất đồi tuy là vật liệu san lấp nhưng lại được coi là khoáng sản nên thủ tục cấp phép khai thác mỏ khá phức tạp, kéo dài, dễ nảy sinh khó khăn, rất cần được các cấp, ngành liên quan tập trung tháo gỡ”, ông Nguyễn Nam Thanh, đại diện đơn vị vừa trúng đấu giá quyền khai thác một mỏ đất ở khu vực đồi Ông Sao bày tỏ.

THÀNH LONG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán khan hiếm vật liệu san lấp tại Hải Dương thế nào?