Tài chính - Ngân hàng

Nguồn vốn trợ giúp người từng lầm lỗi

KIÊN TRUNG 28/12/2023 19:00

Nguồn vốn tín dụng chính sách với người chấp hành xong án phạt tù đã trợ giúp cho nhiều người ở Hải Dương từng lầm lỗi vươn lên phát triển kinh tế.

z5007162140570_a4f684738d265a887a0ef67f717777df(1).jpg
Gia đình ông Trần Văn Tình ở xã Đức Xương (Gia Lộc) có điều kiện phát triển nghề nuôi cá nhờ nguồn vốn chính sách

Tín dụng chính sách ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai tại Hải Dương, tạo cơ hội cho người từng lầm lỗi hòa nhập cộng đồng.

“Vá lại” những mảnh đời

Sau gần 1 năm chấp hành án phạt tù, ông Trần Văn T. ở thôn An Cư 1, xã Đức Xương (Gia Lộc) được trở về nhà. Với quyết tâm thay đổi cuộc đời, ông T. tìm cách vực lại 4 ao cá của gia đình sau quãng thời gian gián đoạn khi phải chấp hành án. Ông T. chia sẻ, 4 ao cá với tổng diện tích 8 mẫu được gia đình ông xây dựng từ hơn chục năm trước, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian phải chấp hành án, ao cá không đạt hiệu quả cao như trước. Để vực dậy cơ ngơi này, cái khó đầu tiên vẫn là nguồn vốn.

Thực hiện Quyết định 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, ngày 10/10, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương đã triển khai giải ngân đối với các trường hợp đủ điều kiện. Ông T. là 1 trong 10 trường hợp đầu tiên của Hải Dương được vay vốn. “Có vốn vay chính sách giống như có thêm điểm tựa. Gia đình tôi sẽ tập trung đầu tư con giống, trang trải tiền cám cùng nhiều khoản khác. Cuối năm nay, dự kiến gia đình tôi sẽ thu hoạch 4 tấn cá thịt, tổng doanh thu ước chừng 200 triệu đồng”, ông T. nói.

Năm 2018 do bị dụ dỗ, lôi kéo, anh Trần Văn K. ở khu dân cư Tống Xá, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) đã tham gia đánh bạc, gá bạc và bị bắt. Sau 51 tháng chấp hành án phạt, đầu tháng 11/2021 anh K. được ra tù. Ý thức cải tạo tốt trong thời gian chấp hành án tù, sự ân hận cùng quyết tâm làm lại cuộc đời đã giúp anh K. được phê duyệt vay 100 triệu đồng theo Quyết định 22. “Từ ngày về địa phương, tôi được lực lượng công an và các cấp chính quyền thường xuyên đến động viên. Điều ý nghĩa nữa là vừa qua gia đình tôi được hỗ trợ cho vay vốn tín dụng chính sách. Có vốn, gia đình tôi có thể tiếp tục duy trì nghề làm giò chả, bánh dày, có nguồn thu ổn định, bảo đảm cuộc sống”, anh K. chia sẻ.

Hải Dương là điển hình trong triển khai chương trình

Quyết định 22 là chính sách nhân văn của Nhà nước giúp những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên tự chủ trong cuộc sống. Đến ngày 23/12, sau 2,5 tháng triển khai, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội toàn tỉnh đã cho 52 trường hợp vay với tổng số tiền đã giải ngân 5 tỷ đồng. Kết quả này đã giúp Hải Dương nằm trong danh sách 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về triển khai chương trình trên toàn quốc.

Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch giải ngân 5 tỷ đồng vừa nêu, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã được bổ sung gần 3 tỷ đồng. Đến ngày 27/12, số tiền này đã cơ bản hoàn thành giải ngân.

Theo ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, ngân hàng cùng lực lượng công an, chính quyền các địa phương đã tiến hành thẩm tra, rà soát danh sách các trường hợp đủ điều kiện để cho vay ngay sau khi chính sách có hiệu lực và thực hiện các nội dung về kiểm soát cho vay theo quy định. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực khai thác nguồn vốn để thực hiện cho vay các trường hợp đủ điều kiện. Chúng tôi khẳng định sẽ bảo đảm giải ngân 100% ngay trong năm 2023 đối với số vốn gần 3 tỷ đồng vừa được bổ sung", ông Hùng nói.

Năm 2024, dự kiến sẽ có 21 tỷ đồng cho người chấp hành xong án phạt tù vay, gồm 14 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác địa phương và 7 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương.

z5007162161814_b6cc85350e88ba38fbed02cb3198f197(2).jpg
Dự kiến hết năm 2023, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương sẽ giải ngân 100% số tiền gần 8 tỷ đồng theo Quyết định 22

Tuy nhiên, thực tế tổ chức triển khai chính sách ưu đãi này trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc cho vay đối với khách hàng là cá nhân chấp hành xong án phạt tù. Trong khi đó khách hàng là tập thể, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vẫn chưa giải ngân được.

Mặt khác, theo thông tin từ Công an tỉnh, một số tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không muốn nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Số người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phần lớn có trình độ văn hóa không cao, chưa được hướng nghiệp đào tạo nghề hoặc nếu có nghề thì chủ yếu là những nghề đơn giản do trại giam, trại tạm giam đào tạo, hướng nghiệp, thiếu hoặc không có vốn, phương tiện, công cụ lao động, sản xuất.

KIÊN TRUNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn vốn trợ giúp người từng lầm lỗi