Người Việt vui Tết ở xứ Phù Tang

23/01/2023 18:14

Cách quê nhà hơn 3.700 km đường bay nhưng cộng đồng người Việt Nam nói chung, người Hải Dương nói riêng tại Nhật Bản vẫn tổ chức nhiều hoạt động vui Tết cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

"Xôi 34"

Sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Tết Nguyên đán năm nay, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Osaka lại tổ chức chương trình “Tết Việt Osaka 2023”. Từ cách đây 1 tháng, anh Nguyễn Tiến Dũng (quê Cẩm Giàng), đại diện Hội Đồng hương Hải Dương tại tỉnh này đã kêu gọi khoảng 2.500 người dân “xứ 34” tại Osaka đăng ký tham dự chương trình thông qua fanpage. “Năm nào cũng vậy, có hàng nghìn người tham dự sự kiện. Chương trình năm nay vẫn sẽ được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, có thể là trước Tết hoặc sau Tết vì hôm đó người Việt Nam bên này mới được nghỉ làm”, anh Dũng thông tin.


Các chương trình Vui Tết cổ truyền của người Hải Dương tại Nhật Bản luôn diễn ra với nhiều hoạt động phong phú

“Tết Việt Osaka” là sự kiện được Hội Người Việt Nam tại Osaka duy trì từ nhiều năm trước. Ngoài người Việt Nam, chương trình thu hút nhiều người nước ngoài tại Nhật Bản tham gia. Từ sáng sớm, mọi người tập trung gói bánh chưng để dành tặng những người tham dự sự kiện. Một sân khấu hoành tráng được dựng lên với câu đối, hoa mai, hoa đào trang trí bắt mắt… Tham dự chương trình, người Hải Dương thi áo dài truyền thống, văn nghệ, múa lân và tham gia gian hàng "ẩm thực Việt” để quảng bá những món ăn đặc trưng của quê mình. “Năm nào chúng tôi cũng nấu xôi vò, xôi gà, xôi đỗ để tham gia gian hàng và đặt tên là “Xôi 34”. Đây là món ăn bán chạy nhất, tạo nhiều ấn tượng cho bạn bè các nước khác”, anh Dũng cho biết thêm.

Người Hải Dương tại tỉnh Osaka còn tổ chức một bữa cơm tất niên riêng. Họ tự tay làm cỗ với rất nhiều món ăn đặc trưng của quê hương như bánh chưng, gà luộc, giò lợn, xôi, bánh đa nem, dưa muối… Bữa cơm tất niên năm nào cũng diễn ra đầm ấm. Mọi người dành cho nhau lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Thi bóc bánh chưng

Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong chương trình “Chào Xuân” được cộng đồng người Việt Nam tại TP Toyoake, tỉnh Aichi duy trì từ năm 2011 đến nay vào dịp Tết cổ truyền. Anh Phạm Văn Thái (quê Ninh Giang) năm nào cũng tích cực tham gia sự kiện cho biết: “Chúng tôi thành lập các đội để thi bóc bánh chưng. Đội nào bóc hết số bánh do Ban tổ chức đưa ra trong thời gian ngắn nhất, hình thức đẹp sẽ được nhận quà. Sau cùng mọi người sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức”.

Chương trình “Chào Xuân” của người Việt Nam tại TP Toyoake thường được tổ chức tại Nhà văn hóa Toyoake tỉnh Aichi. Hàng trăm người Hải Dương tại đây đăng ký tham dự sự kiện. Nhà văn hóa với khoảng 1.000 chỗ ngồi gần như không còn chỗ trống. Chương trình được rất nhiều người trong tỉnh và vùng Tokai biết tới. Ngoài sự kiện thi bóc bánh chưng, người Hải Dương tại TP Toyoake còn tham gia vào nhiều hoạt động trong dịp Tết cổ truyền như dọn vệ sinh, trồng cây tại chùa Đức Lâm (chùa Nhật nhưng chuyên đào tạo các sư thầy cho Việt Nam), giao lưu văn nghệ, thể thao, bốc thăm nhận lì xì đầu năm…

Quảng bá văn hóa truyền thống

Hầu hết cộng đồng người Việt Nam, trong đó có người Hải Dương ở các tỉnh, thành phố tại Nhật Bản đều tổ chức được các sự kiện vui Tết cổ truyền. Quy mô tổ chức ở mỗi nơi khác nhau nhưng có một điểm chung là thường lồng ghép thêm nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương như thi áo dài, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa lân sư rồng, viết và trưng bày thư pháp… 

Chị Nguyễn Quỳnh Hương (quê Cẩm Giàng) nhiều lần tham gia cuộc thi áo dài truyền thống Việt Nam tại chương trình “Vui Tết cổ truyền” ở tỉnh Osaka và TP Kobe chia sẻ: “Em rất tự hào khi khoác trên mình chiếc áo dài mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhiều bạn người nước ngoài tham dự cuộc thi rất thích thú và họ còn mua áo dài Việt Nam về làm quà cho người thân”.


Chị Nguyễn Quỳnh Hương (quê Cẩm Giàng, hàng thứ nhất) nhiều lần tham gia cuộc thi áo dài truyền thống Việt Nam tại chương trình "Tết Việt Osaka"

Anh  Bùi Văn Du (quê Thanh Hà) làm việc tại tỉnh Aichi từ năm 2015. Anh là chủ nhiệm một câu lạc bộ võ Nhất Nam (võ cổ truyền của người Việt). Hằng năm, câu lạc bộ đều tổ chức biểu diễn tại chương trình vui Tết cổ truyền do người Việt Nam tại Aichi tổ chức. “Hoạt động này đã giúp nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam ta bên này vào dịp Tết để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Tôi mong muốn góp sức giữ gìn và quảng bá những nét văn hóa tốt đẹp của nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế”, anh Du nói.

Lên chùa cầu bình an 

Anh Nguyễn Thành Lương (quê Tứ Kỳ) và nhóm hơn 20 người Việt Nam làm việc trong một doanh nghiệp ở tỉnh Shizuoka năm nào cũng tập trung đón Tết cổ truyền. Các anh cùng nhau vệ sinh nhà cửa, đi chợ, gói bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả và làm cơm tất niên. Ông chủ và một số bạn bè các nước khác làm cùng doanh nghiệp cũng được mời tham dự. 


Anh Nguyễn Thành Lương (quê Tứ Kỳ, bên trái) và một người bạn làm việc trong một doanh nghiệp ở tỉnh Shizuoka năm nào cũng tập trung đón Tết cổ truyền

Sau bữa cơm tất niên, anh Lương và mọi người cùng lên chùa để thắp hương đúng vào thời khắc giao thừa. “Đây là thời khắc rất thiêng liêng. Trong tiếng chuông chùa ngân vang tôi nhớ về nguồn cội, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cầu chúc cho mọi người nơi quê nhà đón năm mới luôn khỏe mạnh, may mắn”, anh Lương xúc động nói.
Lên chùa đêm giao thừa cầu bình an là một nét đẹp văn hóa truyền thống được người Việt Nam ở Nhật Bản duy trì trong suốt những năm qua. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (quê Kim Thành) làm việc tại TP Kobe thông tin: “Chúng tôi tham dự nhiều hoạt động vui Tết đón xuân cùng tập thể nhưng thời khắc giao thừa thì sẽ trở về nơi ở để cùng vợ chồng hoặc người thân lên chùa cầu bình an. Người Việt ta bên này đi chùa vào đêm giao thừa đông lắm”. 

Do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Nhật Bản không lớn nên vào thời khắc giao thừa, nhiều người Hải Dương còn gọi điện về chúc Tết bố mẹ, gia đình, người thân...

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt vui Tết ở xứ Phù Tang