Bệnh suy giảm trí nhớ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người trẻ.
Bác sĩ Khoa 2, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương đang hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ
Bệnh suy giảm trí nhớ thường phổ biến ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở những người dưới 40 tuổi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của họ.
Khó nhận biếtAnh N.H.V. (34 tuổi) ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) đang làm nhân viên của một ngân hàng đã phải đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương (BVTTHD) hơn 1 năm nay. Công việc căng thẳng, cường độ, áp lực công việc cao khiến anh mắc phải chứng suy giảm trí nhớ (SGTN). Anh V. cho biết: “Hơn 1 năm trước, tôi cảm thấy sức khỏe giảm sút, khả năng ghi nhớ ngày càng kém dần. Nhiều khi công việc được giao buổi sáng mà buổi chiều tôi đã không nhớ để làm. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc của bản thân tôi. Vì vậy, tôi đã đi khám và được bác sĩ chẩn đoán có biểu hiện của bệnh SGTN”. Thời gian đầu khi chưa phát hiện bệnh, anh V. thường xuyên bị mất ngủ, đau đầu, thiếu tập trung khi làm việc. Nhiều khi rất khó để nhớ một việc hay một số sự việc trong thời gian ngắn, nhiều lúc quên cả đường về nhà.
Giống như anh V., anh H.Đ.C. (22 tuổi) ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng đang phải điều trị tâm lý do SGTN. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, anh C. quyết tâm thi đỗ vào một trường đại học thuộc khối kỹ thuật-công nghệ ở TP Hà Nội. Anh đã ôn luyện vất vả và đã trúng tuyển với điểm số khá cao. Tuy nhiên việc thay đổi môi trường học tập, khối lượng kiến thức ngày càng nhiều cộng với áp lực trong việc làm thêm khiến anh có biểu hiện của bệnh SGTN. Anh C. cho biết: “Bắt đầu từ đầu năm thứ 3 đại học, em thường mất ngủ và hay quên, có hôm quên cả lịch thi, lịch học, nhiều lúc còn bị nhầm lẫn kiến thức ở môn học này sang môn học khác. Lúc đầu, em chỉ nghĩ là do phải học nhiều, lại đi làm thêm ngoài giờ nên căng thẳng. Nhưng thời gian sau, những biểu hiện này lặp đi lặp lại ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập. Lúc ấy, em đi khám mới biết mình có biểu hiện của chứng SGTN”.
Bác sĩ Ngô Lê Phong, Trưởng khoa 2, BVTTHD cho biết: Hằng năm, khoa đón tiếp gần 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh, trong đó có từ 15-20% số bệnh nhân bị SGTN. Bệnh SGTN thường rất khó phát hiện, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Thời gian gần đây, nhiều người trẻ từ 25-40 bị bệnh này. Những người trẻ bị bệnh xuất thân từ nhiều thành phần xã hội, nghề nghiệp và môi trường khác nhau.
Không chủ quanNguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc bệnh SGTN khá đa dạng. Trong đó, áp lực từ công việc và cuộc sống khiến nhiều người trẻ tuổi luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu ngủ, mất tập trung nên khó ghi nhớ các sự việc diễn ra. Nhiều người làm việc căng thẳng cả ngày nhưng ít vận động nên dễ bị béo phì, mỡ trong máu cao khiến lưu lượng máu đến não ít cũng là nguyên nhân gây SGTN. Bên cạnh đó, thường xuyên lạm dụng các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ, nhóm thuốc corticoid (nhất là ở bệnh hen suyễn) hoặc sử dụng các chất kích thích quá liều lượng như uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ cũng khiến việc lưu trữ thông tin kém hiệu quả. Theo bác sĩ Ngô Lê Phong, trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị chứng SGTN tại bệnh viện có 60% là do sử dụng chất kích thích, trong đó có bia rượu. Sau khi điều trị các biểu hiện của loạn thần, người bệnh sẽ phải thực hiện các liệu pháp điều trị chứng SGTN. Thời gian điều trị tùy theo mức độ của bệnh lý, thường kéo dài từ 1-2 tháng hoặc có thể lâu hơn. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến người trẻ tuổi hay mắc bệnh là do chủ quan. Khi có biểu hiện của chứng SGTN, nhiều người thường coi là bình thường nên tự đến các nhà thuốc để mua các loại thuốc điều trị đau đầu, mất ngủ về dùng.
Người mắc chứng SGTN thường có những biểu hiện thay đổi tâm trạng hoặc hành vi như mệt mỏi, tức giận, lo lắng, bồi hồi, đôi khi buồn bã, khó kiểm soát. Có thể nhận biết được những triệu chứng ban đầu của bệnh thông qua những biểu hiện cụ thể như nói trước quên sau, muốn diễn đạt một vấn đề nhưng quên không biết phải sử dụng từ gì; lơ đãng, thiếu tập trung trong công việc, đôi khi còn lú lẫn tưởng việc chưa làm mà cứ nghĩ đã làm rồi… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, chứng SGTN sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Trên thực tế, đã có một số bạn trẻ phải bỏ dở công tác, học tập để điều trị chứng SGTN. Nếu bệnh này không được chữa trị kịp thời thì có thể biến chứng thành căn bệnh sa sút trí tuệ, rất khó điều trị khỏi.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các biểu hiện suy giảm trí nhớ, người trẻ nên đến các trung tâm y tế để được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Các bạn trẻ cũng cần xây dựng cho mình chế độ sinh hoạt và lao động khoa học, lành mạnh, tránh xa các chất kích thích, thường xuyên rèn luyện thể thao, tăng cường sức khỏe.
ĐỨC TÂM