Người dưới 18 tuổi sử dụng thẻ tín dụng: Hai phía đều e ngại

15/03/2018 10:44

Quy định mới có thể sẽ giúp các ngân hàng tăng lượng phát hành nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi nhóm tuổi này hầu hết không có thu nhập, không có tài sản bảo đảm...

Mở rộng đối tượng được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước là cơ hội cho các ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ thẻ, nhưng việc này cũng nhiều rủi ro

Từ ngày 3.3, Thông tư 26 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực. Điểm mới đáng chú ý của thông tư này là trẻ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước mà không cần tài sản bảo đảm. Đây là cơ hội cho các ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ thẻ. Tuy nhiên, cả đơn vị phát hành thẻ và khách hàng vẫn còn nhiều e ngại.

Mở rộng khách hàng

Theo quy định của Thông tư số 19, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực, hành vi dân sự, có tài sản riêng bảo đảm mới được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước. Với quy định trên, số lượng phát hành thẻ cho đối tượng này tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh rất ít, có ngân hàng không phát hành được thẻ nào. Nguyên nhân chính là rào cản về tài sản bảo đảm, bởi nhóm đối tượng này đều là lứa tuổi học sinh, chưa có thu nhập. Nay theo Thông tư 26, nhóm đối tượng này được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước mà không cần tài sản bảo đảm. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đông cho biết: "Việc thêm khách hàng được mở thẻ tín dụng, thẻ ATM, thẻ trả trước là tín hiệu tốt cho xu hướng không dùng tiền mặt hiện nay. Các ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển dịch vụ thẻ". Cũng theo ông Trung, hiện BIDV Hải Dương chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của BIDV Việt Nam, tuy nhiên ngân hàng cũng đang nghiên cứu và sớm đưa ra các sản phẩm thẻ phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng này.

Theo bà Đoàn Thu Hà, Trưởng Phòng dịch vụ Agribank Hải Dương, Thông tư 26 sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho các ngân hàng phát triển thẻ tín dụng, ghi nợ. Việc mở rộng thêm đối tượng sử dụng thẻ sẽ khuyến khích người trẻ tự lập, biết chi tiêu, tự thanh toán một số hàng hóa cho bản thân. Hơn nữa, với khách hàng ở lứa tuổi học sinh THPT hiện rất nhiều người có nhu cầu sử dụng thẻ để mua sắm các chương trình giáo dục trực tuyến, chi tiêu cá nhân. Qua đó dần hình thành thói quen không dùng tiền mặt của khách hàng từ sớm, phù hợp với tiêu dùng hiện đại đang phổ biến hiện nay".

Rủi ro

Trong khi nhiều ngân hàng đang chuẩn bị đưa ra các sản phẩm phù hợp cho nhóm đối tượng khách hàng mới để phát triển thị phần, tăng thu dịch vụ thì nhiều khách hàng và ngay cả phía tổ chức phát hành thẻ cũng còn không ít băn khoăn. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Hải Dương cho biết: "Quy định mới về trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ATM trả trước có thể sẽ giúp các ngân hàng tăng lượng phát hành nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi nhóm tuổi này hầu hết không có thu nhập, không có tài sản bảo đảm, khó chứng minh được khả năng trả nợ. Việc các ngân hàng phải xử lý phát sinh khi phát hành thẻ cho nhóm đối tượng này là điều rất dễ xảy ra". 

Ông Nguyễn Quang Trung cho rằng cái khó ở đây là quản lý thẻ. Nếu khách hàng trong độ tuổi đi làm sớm, có thu nhập, tham gia phát hành thẻ tín dụng sẽ vẫn có khả năng chi trả. Nhưng thực tế hầu hết khách hàng này đều còn đi học nên việc chấp thuận mở thẻ tín dụng và triển khai cụ thể còn tùy thuộc vào từng ngân hàng. Chắc chắn BIDV sẽ có những quy định riêng, thẩm định chặt chẽ năng lực của từng khách hàng để kiểm soát rủi ro.

Không chỉ phía ngân hàng băn khoăn, nhiều khách hàng có con em trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 cũng e ngại khi các ngân hàng chấp thuận mở thẻ tín dụng mà không cần tài sản bảo đảm. Chị Trương Thị Giang ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) có con gái 17 tuổi. Hiện nay cháu đang bước vào năm cuối THPT, nhu cầu mua sắm sách vở phục vụ học tập nhiều và cũng thường xuyên mua qua mạng. Khi biết trẻ dưới 18 tuổi được mở thẻ ngân hàng, chị dự định sẽ mở thẻ ATM cho con để tiện mua sắm và chuyển tiền sinh hoạt khi con vào đại học. Tuy nhiên, khi hỏi về việc mở thẻ tín dụng cho trẻ từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, chị Giang cho hay: "Mở thẻ ATM để bố mẹ chuyển tiền cho con chi tiêu, mua sắm theo kế hoạch thì được chứ không nên cho các cháu mở thẻ tín dụng vì gia đình sẽ khó quản lý việc chi tiêu của con, nhất là với những cháu chưa biết quản lý và sử dụng tiền tiết kiệm"...

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dưới 18 tuổi sử dụng thẻ tín dụng: Hai phía đều e ngại