Ngày 31.12 hằng năm, các quán mỳ Soba ở Nhật luôn tấp nập người cùng nhau đến thưởng thức; còn ở Nga, salad Olivier là món ăn không thể thiếu trong dịp đầu năm mới.
Những bữa ăn ngày đầu năm mới không chỉ mang ý nghĩa cầu mong sự sung túc, đủ đầy mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình được sum họp và quây quần bên nhau, cầu mong những điều tốt đẹp tới trong năm mới. Tùy từng vùng miền, khí hậu đặc trưng cũng như quan niệm riêng, các món ăn được dùng trong năm mới tại các quốc gia trên khắp châu lục cũng có sự khác biệt.
Các nước châu Á
Không giống với các nước láng giềng ở châu Á như Hàn Quốc hay Trung Quốc, Nhật Bản từ lâu đã không còn coi trọng Tết Âm lịch mà chuyển sang đón tết dương lịch. Tuy vậy, những nghi lễ và món ăn truyền thống của quốc gia này vẫn luôn được bảo tồn và gìn giữ hàng năm.
Món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết ở Nhật Bản là Osechi Ryori, có nguồn gốc từ hơn 1000 năm về trước và được bắt đầu từ những món đơn giản. Ngày nay, số lượng món đã được tăng lên tùy vào cuộc sống dư dả và sở thích của từng gia đình.
Ngày 31.12 hằng năm, các quán mỳ Soba ở Nhật luôn tấp nập người cùng nhau đến thưởng thức. Theo phong tục, mỳ Soba có đặc điểm dài và dai nhưng cũng dễ cắn đứt, thể hiện cho việc những xui xẻo của năm cũ được chấm hết, chào đón năm mới nhiều may mắn.
Một số các nước khác lại lựa chọn đón Tết âm lịch (hay còn gọi là Tết Nguyên đán). Bữa ăn năm mới của người Trung Quốc không thể thiếu cá, bánh bao, chả giò, bánh gạo nếp, bánh trôi tàu, mì trường thọ, trái cây. Họ quan niệm rằng những món ăn này sẽ mang tới sự thịnh vượng, sung túc. Tại Hàn Quốc, một bàn ăn gồm có miến trộn, súp bánh gạo, sườn bò rim, bánh hành và các món ăn kèm khác là những món ăn mà người dân nơi đây đón chào một năm mới.
Còn tại Việt Nam, tùy theo từng vùng miền mà những món ăn ngày Tết cũng có sự khác biệt. Nếu người miền Bắc thường có bánh chưng, gà luộc, bát canh măng, giò, thịt kho đông thì ở miền Nam, người dân lại nấu bánh tét, thịt kho nước dừa, canh khổ qua,...
Các nước châu Âu
Tại Pháp, gà tây nhồi hạt dẻ là “linh hồn” của bữa tiệc cuối năm. Đây là một trong những món ăn truyền thống lâu đời tại quốc gia này vào mỗi dịp năm mới. Ngoài ra còn có gan ngỗng, hải sản, thịt đi kèm với sâm panh, rượu vang.
Với người dân nước Ý, món ăn không thể thiếu trong đêm giao thừa là Cotechino con Lenticchie hoặc Zampone con Lenticchie - món ăn truyền thống gồm xúc xích và đậu lăng. Sự kết hợp này nhằm tượng trưng cho ước mong về sự no đủ và may mắn trong những ngày đầu năm.
Không cần những món ăn cầu kỳ và công phu, người Tây Ban Nha thường ăn nho để chào đón năm mới. Trong đêm giao thừa, họ sẽ ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông báo hiệu 12 giây đầu tiên của năm mới, hoặc nhâm nhi từng ly rượu nho thơm ngọt. Hành động này được thực hiện với hy vọng sẽ có 12 tháng tiếp theo được nhiều niềm vụi, hạnh phúc và may mắn.
Ở Nga, salad Olivier là một món ăn không thể thiếu trong dịp đầu năm mới, kèm theo đó là bánh mì, trứng cá đỏ muối, salad cá muối củ cải đỏ, bắp cải cuộn thịt và rượu sâm panh. Người Nga tin rằng, bàn ăn càng phong phú và đầy thức ăn thì năm mới sẽ càng thịnh vượng, phát đạt.
Trong khi đó, người dân ở Hungary cấm kỵ ăn gia cầm hay các loài có cánh vì lo sợ những may mắn sẽ bay đi mất. Họ cũng không ăn các loại cá, cua hay tôm do quan niệm rằng sự may mắn sẽ bơi đi theo những con cá mà mình ăn và những loại hải sản bơi ngang hoặc bơi lùi về sau khiến vận mệnh không thể tiến tới.
Khác với đất nước Hungary, món ăn vào dịp Tết của người Đức lại là cá chép. Món ăn truyền thống này được coi là món ăn mang lại may mắn và xua đuổi đi những điều không may trong năm tới. Ngoài ra, họ cũng sẽ chuẩn bị một bàn tiệc lớn gồm các loại thịt, phô mai, rau theo mùa và bia.
Ngoài ra, người Đức cũng đón năm mới bằng một số món khác như: bánh chiên nhân mứt Pfannkuchen, rượu sâm panh… Các loại bánh mì đủ hình dáng khác nhau với mong ước cầu mong những điều không may sẽ biến mất, điều phước lành sẽ đến bên họ trong năm tiếp theo.
Còn đối với người Thụy Sĩ, lẩu phô mai Fondue Chinoise là món ăn truyền thống trong ngày đón chào năm mới. Một chiếc nồi nhỏ xinh đặt trên chiếc bếp lò, người ta sẽ cắt vào đây các viên phô mai để chúng nóng chảy. Trên bàn là các loại topping như thịt nguội, khoai tây, cà chua, salad, giăm bông… người ăn dùng dĩa xiên vào các đồ ăn để nhúng vào nồi phô mai nóng chảy, sau đó là thưởng thức. Lẩu phô mai thường được ăn kèm với bánh mì nướng giòn rụm.
Các nước châu Mỹ
Với người Mỹ, bữa ăn đầu năm thường sẽ có bắp cải, cá mòi, mật ong, đậu mắt đen… và chắc chắn không thể thiếu được bánh mì - một món ăn tượng trưng cho sự no đủ, ấm cúng. Ngoài ra ở miền Nam nước Mỹ, người dân thường ăn món Hoppin' John làm từ đậu mắt đen hoặc đậu đũa. Truyền thống này có nguồn gốc từ thời Nội Chiến, khi thị trấn Vicksburg (Mississippi) cạn kiệt lương thực lúc bị tấn công, các cư dân tìm được đậu mắt đen để sống sót, từ đó loại đậu này được coi là đem lại may mắn.
Người dân Paraguay lại có quy định 5 ngày cuối cùng của năm là “ngày hàn thực”. Trong 5 ngày này, mọi người đều không được nhóm lửa, đốt lò mà chỉ có thể ăn đồ nguội hay thức ăn đã làm sẵn từ trước. Đến 1.1 dương lịch mới được làm điều này để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.
Ở Mexico, món ăn mừng năm mới của người dân nơi đây là Tamales - món bánh được làm từ bột ngô, thịt, mỡ, rau, phô mai, được gói bằng lá ngô và hấp trong 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, món súp Menudo được chế biến từ sách bò hoặc lòng bò hầm cùng với hành tây, rau mùi, rau oregano, ớt trong vòng 7 - 10 giờ cũng là một món ăn ngày Tết phổ biến tại quốc gia này.
Ở Cuba, người dân sẽ ăn lợn sữa quay vì đây được xem là con vật mang lại may mắn cho người dân nước này; hay tại Peru có món Ceviche - một món “cocktail” hải sản và rau củ đầy màu sắc.
Các nước châu Phi
Người Nigeria xem đậu lăng tượng trưng cho đồng xu và vì vậy mà những hạt đậu này xuất hiện ở rất nhiều món ăn năm mới và kiêng các loại gia cầm vì cho rằng chúng sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình.
Người dân Uganda lại dành một món ăn đặc biệt cho bữa ăn sáng đầu năm mới với một bàn ăn sáng thịnh soạn gồm các món từ chuối Matooke (chuối cao nguyên Đông Phi), một loại chuối xanh được xem như nguồn lương thực chính ở một số quốc gia châu Phi và cũng là một sản vật quý giá, là nguồn xuất khẩu của Uganda.
Người châu Úc
Khác với Việt Nam, Tết tại Úc thường rơi vào mùa hè và kéo dài từ Giáng sinh cho đến 10.1. Đây cũng là một trong những quốc gia đón giao thừa sớm nhất trên thế giới. Trong dịp này, người dân sẽ cùng nhau thưởng thức thịt kangaroo nướng, gà Parmigiana, cá Barramundi, thịt bò, rượu vang,...
Hầu hết những quốc gia thuộc châu Úc thường ưa chuộng các món thịt và hải sản nướng trong các dịp lễ lớn và quan trọng như Giáng sinh hay năm mới. Bên cạnh đó, bánh mì nướng ăn kèm quả bơ vào mỗi buổi sáng cũng là món ăn không thể thiếu.
Châu Nam Cực
Khác với những châu lục khác, châu Nam Cực không có người sinh sống ngoài các nhà khoa học vì khí hậu quá đỗi khắc nghiệt.
Tại đây, họ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc chào đón năm mới mang tên Icestock tại trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ và cùng nhau thưởng thức những món súp đầy ớt cay nồng bên cạnh cốc cà phê nóng hoặc socola nóng để giúp làm ấm cơ thể.
Theo VTC News