Người đam mê sưu tầm di sản kiến trúc Pháp

13/08/2023 17:30

Sau 30 năm âm thầm sưu tập, nghiên cứu, ông Phạm Tuệ, 79 tuổi, sở hữu vốn kiến thức cùng kho tư liệu đồ sộ về di sản kiến trúc Pháp ở đô thị Hải Phòng.

Sinh ra ở Hà Nội, năm 6 tuổi ông Tuệ về TP Hải Phòng sinh sống. Được các anh chị hướng dẫn sưu tầm tem bưu chính Đông Dương, Pháp, Mỹ, ông tìm hiểu và dần yêu thích. Ông mua rất nhiều sách báo trong và ngoài nước, xếp kín các giá sách ở phòng khách rộng chừng 30 m2 của gia đình.

Chia sẻ lý do sưu tầm di sản kiến trúc Pháp, ông Tuệ kể năm 1993 ông đọc báo Hải Phòng thấy trang đầu có bức ảnh chụp toàn cảnh cầu Lạc Long lúc lắp đặt xong dầm, bên cạnh là cầu sắt Joffre mà người dân Hải Phòng thường gọi là cầu Hạ Lý. Cầu Joffre bắc qua sông Tam Bạc, nối thẳng với đại lộ Paul Bert (phố Điện Biên Phủ nay), tồn tại 72 năm, là dấu tích cho ngày giải phóng Hải Phòng, các đơn vị bộ đội đã qua cầu này vào tiếp quản thành phố.

Ngắm bức ảnh, ông Tuệ giật mình nghĩ đến viễn cảnh những công trình kiến trúc Pháp sẽ bị mai một hoặc phá bỏ để phục vụ sự phát triển của thành phố, thế hệ mai sau sẽ không hiểu được ý nghĩa và giá trị của chúng. "Tôi nảy ra ý tưởng sưu tầm tư liệu về di sản đô thị kiểu Pháp ở Hải Phòng từ đó", ông kể.


Ông Phạm Tuệ và kho tư liệu ảnh Hải Phòng xưa và nay do mình sưu tập, chụp lại

Vốn là nhà giáo giỏi tiếng Pháp và có mối quan hệ với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử người Pháp gốc Việt, thời gian đầu sưu tầm, ông Tuệ được những người này gửi ảnh qua thư điện tử. Ảnh ban đầu được chụp lại, chất lượng chưa tốt và ít thông tin liên quan.

Năm 2008, ông Tuệ nhận được một đường link chứa tư liệu quý do Thư viện Quốc gia Pháp sưu tầm. "Đó là mê cung khổng lồ. Không phải cứ vào là thấy cái mình muốn. Có những ảnh hiếm, tư liệu tôi vô tìm được trên đó. Có những thứ tôi đã dùng nhiều từ khóa bằng cả tiếng Pháp mà vẫn chưa ra", ông Tuệ chia sẻ.

Hàng ngày ông Tuệ dành nhiều giờ vào đường link để tải ảnh hoặc đọc thông tin người Pháp ghi chép về Hải Phòng xưa. Với ông, một bức ảnh có giá trị bằng hàng nghìn từ. Qua ảnh, người xem có thể hình dung được diện mạo, đời sống của người Hải Phòng từ khi người Pháp đặt chân đến và rời đi vào năm 1955.

Lấy ảnh khu nhượng địa Pháp tại Hải Phòng từ cuốn Chuyến đi từ Ai Cập đến Đông Dương của Hyppolite Arnoux và Emile Gsell, xuất bản năm 1880, ông giới thiệu đây là bức ảnh xưa nhất về Hải Phòng do Emile Gsell chụp khoảng cuối năm 1876. Từ bức ảnh có thể thấy được khởi đầu của Hải Phòng rất sơ sài so với Hà Nội và Sài Gòn, nhưng từ cuối thập niên 1880 phát triển mạnh.


Ông Thierry Van de Wyngaert, Chủ tịch Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp tới thăm và trao đổi cùng ông Tuệ vào năm 2022

Không chỉ sưu tập ảnh, ông Tuệ còn hệ thống lại câu chuyện, bối cảnh, thực trạng sự vật, sự việc mà bức ảnh mô tả, đính chính thông tin sai lệch trên mạng. "Trên Wikipedia, Nhà hát Lớn Hải Phòng được xây năm 1904 và hoàn thành năm 1912. Tuy nhiên, nhiều ảnh chụp công trình từ năm 1901, 1904. Tư liệu gốc tiếng Pháp khẳng định Nhà hát khánh thành tháng 9.1900", ông Tuệ cho hay.

Thông tin trên mạng cũng cho rằng Hà Nội là thành phố có điện chiếu sáng đầu tiên toàn châu Á dưới thời toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Nhưng theo ông Tuệ điều đó không đúng, Hải Phòng có điện chiếu sáng đầu tiên vào ngày 1.2.1893, trước Hà Nội gần 2 năm, Sài Gòn sau một năm nữa (1896). Nhà máy điện Cửa Cấm Hải Phòng được khởi công ngày 16.4.1892 là nhà máy điện đầu tiên toàn Đông Dương và thứ hai châu Á, sau Nhật Bản 5 năm.

Không thỏa mãn với nguồn ảnh xưa, ông Tuệ mua máy ảnh, đi chụp thêm tư liệu vào mỗi sáng mùng một, mùng hai Tết âm lịch. "Lúc đó đường sá vắng người, thời tiết đẹp, cây cối ít lá nên lộ ra nhiều góc rất đẹp, giống với ảnh xưa tôi đang có", ông giải thích. Từ 2.000 bức ảnh xưa, ông Tuệ đã tự chụp thêm 10.000 ảnh ngày nay để củng cố thêm kho tư liệu của mình.


Bức ảnh Nhà Hát lớn Hải Phòng được chụp năm 1901 được ông Tuệ lấy từ Thư viện quốc gia Pháp

Sau thời gian dài nghiên cứu, năm 2013, được sự ủng hộ của ông Hoàng Văn Kể, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Tuệ đã đưa những bức ảnh quý ra triển lãm theo chủ đề Dấu ấn kiến trúc Pháp trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Hải Phòng. Ông đã khóc khi thấy nhiều bậc cao niên tới xem, xúc động kể lại nơi mình sống qua ảnh.

Sau triển lãm, nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đã tìm đến ông Tuệ để có thêm kiến thức, tư liệu cho công việc. Tháng 12.2022, ông Thierry Van de Wyngaert, Chủ tịch Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp - Việt, cùng hai kiến trúc sư sang Việt Nam gặp ông Tuệ để hiểu thêm về công tác bảo tồn di sản kiến trúc Pháp tại Hải Phòng.

"Cuối năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, tôi sẽ cố vấn, cung cấp tư liệu cho nhóm kiến trúc sư làm một triển lãm và xuất bản cuốn sách về Hải Phòng xưa như Sài Gòn và Hà Nội đã làm", ông Tuệ cho hay.

Đánh giá cao kho tư liệu của ông Tuệ, tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, nói những hình ảnh, tư liệu của ông Tuệ giúp chính quyền, nhà nghiên cứu và người dân hiểu đúng hơn, chính xác hơn về quá trình hình thành và phát triển của Hải Phòng.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Người đam mê sưu tầm di sản kiến trúc Pháp