Có ý kiến cho rằng, ở một góc độ nào đó có thể xem đầu tư cho nghiên cứu khoa học là một loại hình đầu tư mạo hiểm.
TS Nguyễn Ngọc Sơn trình bày tại hội thảo khoa học của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh
Bởi, việc dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho nghiên cứu khoa học (NCKH) không có nghĩa sẽ thành công. Vậy điều gì khiến các giảng viên, nghiên cứu viên cảm thấy thú vị để “mạo hiểm” trong công việc nghiên cứu của mình?
Hơn 20 năm theo đuổi đề tài và cái kết ngọt
Công trình “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng (Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) và các cộng sự được chọn trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2019 vào tháng 6/2020 với số tiền thưởng lên đến 50.000 USD.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, chương trình “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” được triển khai từ năm 1999. Lúc đầu, chương trình gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí thực hiện, bản thân chủ nhiệm chương trình phải tự bỏ tiền ra để nghiên cứu.
“Tuy nhiên nhờ sự đam mê và nhiệt huyết, mong muốn tạo ra một sản phẩm công nghệ giúp ích cho cộng đồng xã hội, cuối cùng chúng tôi đã xây dựng được hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-1 và DS-2. Đến năm 2006 - 2008 được sự hỗ trợ đề tài NCKH cấp bộ, hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-3 thành công.
Năm 2009, sản phẩm bắt đầu thương mại, khi đó mới có kinh phí tiếp tục nghiên cứu và cải tiến hoàn thiện. Hệ thống sấy thăng hoa phiên bản DS-4 đến DS-10 được xây dựng đã triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc, đồng thời xuất khẩu qua Campuchia và Lào” - PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.
Chương trình “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự triển khai trong một thời gian tương đối dài, ngót nghét 21 năm. Nói về việc kiên nhẫn theo đuổi đề tài này, theo anh, đó là niềm đam mê và mong muốn tạo ra sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ cho cộng đồng, xã hội.
Thực tế, NCKH là công việc không đơn giản, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, anh chia sẻ: “Nếu sợ thất bại thì không bao giờ làm được. Làm NCKH phải chấp nhận rủi ro và lường trước những thất bại. Để khi gặp thất bại không phải thất vọng và nản chí, mà từ thất bại sẽ đúc kết nên những kinh nghiệm quý báu”.
Bài báo khoa học: Hành trình gian nan
Là giảng viên trẻ (sinh năm 1987) nhưng TS Nguyễn Ngọc Sơn (Phó Trưởng khoa Công nghệ điện tử, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) đã công bố hơn 30 bài báo khoa học, trong đó có 18 bài báo đăng trên các tạp chí ISI thuộc lĩnh vực điện tử - hệ thống thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đối với anh, hành trình để có một bài báo khoa học khá trập trùng, gian nan. Anh cho biết: Sau khi có kết quả nghiên cứu là viết lại/mô tả lại các kết quả này dưới dạng một bài báo khoa học. Khi đã có bản thảo bài báo tốt sẽ tìm tạp chí phù hợp, nộp bài báo, chờ đợi các phản biện đánh giá, đồng thời nhận câu hỏi từ các phản biện, sửa chữa theo góp ý, tranh luận để bảo lưu quan điểm nghiên cứu.
“Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi các phản biện hài lòng về bài báo. Chỉ riêng bước này, thời gian trung bình từ lúc gửi đến lúc xuất bản online là 6 - 8 tháng tùy tạp chí và tôi đã từng có một bài báo mất 18 tháng cho bước này” - TS Sơn chia sẻ đồng thời tâm sự: Một bài báo làm cho người đọc hứng thú, ngoài nội dung mới, hay thì bố cục phải rõ ràng, hình thức đẹp; các bảng biểu, hình ảnh phải mô tả được kết quả của nghiên cứu.
Nó cũng giống như đầu bếp sáng tạo ra món ăn vậy, món ăn phải vừa thật ngon nhưng cũng phải đẹp mắt và hài hòa về màu sắc, vừa tinh tế về hương vị.
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, làm NCKH tại Việt Nam hay tại bất kỳ nơi nào trên thế giới đều khó và mạo hiểm. Nó giống như chúng ta bắt đầu từ kinh doanh, không có gì bảo đảm chắc chắn thành công. Tuy nhiên, làm NCKH tại Việt Nam có thể khó khăn hơn vì Việt Nam là nước đang phát triển, cơ sở vật chất trang bị cho nghiên cứu chưa mạnh, các quỹ dành cho NCKH đến từ Nhà nước và doanh nghiệp chưa nhiều.
“Tôi hay nói với học trò, đồng nghiệp vấn đề đầu tiên làm NCKH là “tiền đâu”. Tiền đâu để làm nghiên cứu, tiền đâu nuôi sống bản thân để duy trì đam mê, tiền đâu để duy trì nhóm nghiên cứu…” – TS Sơn bộc bạch.
Nói về con đường đến với lĩnh vực NCKH, TS Nguyễn Hoàng Chinh (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: Nhờ tham gia hoạt động NCKH từ khi còn là sinh viên năm 3, tôi học hỏi được rất nhiều điều và từ đó cũng giúp mình nhận thấy được bản thân mình yêu thích công việc NCKH. Do đó, sau khi tốt nghiệp, được Trường Đại học Tôn Đức Thắng tạo điều kiện, tôi đã xin được học bổng đi du học và tiếp tục ước mơ làm nghiên cứu khoa học của mình.
Theo Giáo dục và Thời đại