Lao động - Việc làm

Nữ giáo sư Mai Thanh đam mê nghiên cứu khoa học

BẢO ANH 12/02/2023 09:00

Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một trong ba nữ giáo sư người Hải Dương được công nhận năm 2023 đã có những chia sẻ thú vị vào những ngày cuối năm.

chi-mai-thanh-2.png
Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh là một trong ba nữ giáo sư của Hải Dương được công nhận năm 2023

Hải Dương trong tim

“Tôi sinh ra ở Lạng Sơn nhưng lại có quãng thời gian lớn lên, gắn bó và có nhiều kỷ niệm với TP Hải Dương - nơi có những ngõ nhỏ, phố nhỏ, dịu dàng, bình yên nằm nép mình bên ga tàu cổ”. Đó là lời giới thiệu đầu tiên khi chúng tôi trò chuyện với giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh.

Nhắc đến TP Hải Dương, chị Mai Thanh hào hứng kể về tuổi thơ và những tháng ngày gắn bó. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng và thôi thúc chị thực hiện ước mơ của mình. “Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm. Từ một công nhân đường sắt của Lạng Sơn về Hải Dương, bố tôi chọn nghề làm mũ cối, còn mẹ là giáo viên mầm non. Cảnh nhà đông con lại khó khăn nên đi học về mấy anh em tôi lại tranh thủ giúp bố mẹ dán mũ cối và làm việc nhà. Say học, có những hôm vừa giúp bố làm mũ vừa dán mắt vào trang sách, tranh thủ học chiều còn kịp lên lớp. Thỉnh thoảng những lúc ra ga Hải Dương bán hàng giúp mẹ, tôi còn tranh thủ lúc đợi tàu tới mang sách ra đọc”, chị Mai Thanh kể.

mai-thanh-3.png
Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh từng học Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) (Ảnh: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cung cấp)

Tuy nhà nghèo nhưng mấy anh chị em đều ham học nên mẹ chị Mai Thanh đã quyết định người con nào đỗ đại học ngay năm đầu tiên mới được học tiếp còn không phải ở nhà làm nghề. “Quyết định đó của mẹ đã đánh thức quyết tâm trong tôi”, chị Mai Thanh nói.

Những năm tháng dưới mái Trường THPT Hồng Quang ngoài có nhiều kỷ niệm đẹp tuổi học trò còn thôi thúc chị đến với nghiên cứu khoa học. Chị mày mò thử nghiệm nhiều phản ứng hóa học.

Những năm tháng gắn bó với phố đường tàu, với những lam lũ, vất vả của cha mẹ đã giúp chị Mai Thanh quyết tâm đỗ 3 trường đại học ngay năm đầu dự thi. Vì yêu nghề giáo nên chị đã chọn Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thương cha mẹ vất vả nên suốt những năm tháng đại học, chị Mai Thanh quyết tâm giành học bổng cao nhất của trường. Chị cũng là một trong hai sinh viên của Khoa Hóa học giành học bổng cao nhất ngay năm đầu.

Tấm gương nghiên cứu khoa học

Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, chị theo đuổi ước mơ làm cô giáo nhưng cũng vì ham nghiên cứu khoa học mà quyết định chọn Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học, công nghệ Việt Nam) để làm việc. Sau đó chị đã có 3 năm nghiên cứu sinh tại Pháp.

chi-mai-thanh-1.png
Giáo sư Mai Thanh từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp (Ảnh: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cung cấp)

Tháng 7/2003, chị Mai Thanh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu anot bền trên cơ sở titan trong môi trường axit” tại Trường Đại học Paris 6, Pháp. Khi về Việt Nam, chị tiếp tục nghiên cứu chế tạo một số loại vật liệu điện cực anot bền nhưng trên vật liệu nền thép không gỉ 304 có giá thành hợp lý hơn để ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp. Đây cũng là nghiên cứu chị tâm đắc nhất bởi nó giúp các làng nghề của Việt Nam xử lý được phần nào ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân nhờ đó được cải thiện tốt hơn.

z5018169717974_a486093eee32917de5ac0df436786dc0.jpg
Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh (thứ hai từ trái sang) hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp)

“Nhiều đêm khi con say giấc tôi mới làm việc. Mê nghiên cứu đến nỗi làm việc một mạch không biết trời sáng từ khi nào”, chị Mai Thanh kể.

z5018145375366_eaedda04e8d662f4c351a68dc0eaa40f.jpg
Giáo sư Mai Thanh cho rằng phụ nữ nghiên cứu khoa học cần sự đam mê và kiên trì (ảnh nhân vật cung cấp)

Giờ đây khi đảm nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chị Mai Thanh vẫn dành thời gian nghiên cứu khoa học và viết sách. Chị cũng đã gieo niềm yêu thích này cho nhiều sinh viên.

Giáo sư, tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh đã chủ trì và tham gia 26 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó 1 đề tài cấp nhà nước và 8 đề tài cấp bộ, ngành. Chị là tác giả và đồng tác giả của 90 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế. Năm 2010, chị nhận giải thưởng L’Oreal UNESCO cho nhà khoa học trẻ với công trình nghiên cứu xuất sắc: “Tổng hợp điện hóa vật liệu nanocomposit Pb02-Ti02 trên thép không gỉ 304 ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp”.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nữ giáo sư Mai Thanh đam mê nghiên cứu khoa học