Trong 25 năm công tác, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thắng đã tham gia nghiên cứu 15 đề tài khoa học, trong đó có 8 đề tài anh là chủ nhiệm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thắng đã có hàng chục đề tài nghiên cứu
Kiến thức vững vàng lại đam mê tìm tòi, sáng tạo trong quá trình công tác, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thắng (sinh năm 1976), Trưởng Khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cơ sở Hải Dương đã tích cực nghiên cứu khoa học và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, anh Thắng được trường giữ lại làm giảng viên. Sau đó, anh được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành điện - điện tử. Học xong, anh về trường tiếp tục giảng dạy.
Trong 25 năm công tác, anh đã tham gia nghiên cứu 15 đề tài khoa học (7 đề tài cấp bộ, còn lại cấp trường), trong đó có 8 đề tài anh là chủ nhiệm, còn lại là thành viên. Nổi bật nhất là đề tài "Xây dựng phương pháp và kiện toàn phương tiện đo nhằm nâng cao độ chính xác của phép đo các thông số trong đường dẫn khí" thực hiện năm 2017-2018 do anh làm chủ nhiệm và được Hội đồng Khoa học Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp loại tốt. Đề tài tập trung phát triển các thuật toán xử lý tín hiệu nhằm nghiên cứu độ chính xác của các phương tiện đo lường không điện.
"Đề tài có khả năng ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ khí tượng, công nghiệp đến chế tạo thực nghiệm. Từ đề tài này, tôi đã viết thành sách "Kỹ thuật biến đổi và xử lý tín hiệu trong đo lường số" dùng để giảng dạy cho sinh viên cao học và nghiên cứu sinh", anh Thắng cho biết.
Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu, anh Thắng cũng gặp phải những khó khăn. Các thiết bị nghiên cứu còn thiếu, thời gian nghiên cứu chưa nhiều. Để hoàn thành tốt những nghiên cứu, anh đã sắp xếp công việc hợp lý, tìm sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để có dụng cụ, phương tiện; có tư duy sáng tạo khắc phục khó khăn...
Với những cống hiến trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, năm 2015, anh Thắng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học 5 năm liền (2010-2015). Năm 2013 và 2016, anh là chiến sĩ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn, phụ trách Phòng Quản lý khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) cho biết: Anh Thắng không chỉ vững về chuyên môn mà còn tâm huyết, tích cực tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều đề tài khoa học của anh có tính ứng dụng cao và mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
THANH HÀ