Ngày đầu thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

02/01/2010 08:47

Để Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực từ 1-1-2010 mang lại kết quả thiết thực, các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, phân tích những vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.


(Ảnh minh họa  internet)
Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Nhi Hải Dương trong ngày đầu tiên Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực (1-1-2010).

Bệnh viện Nhi Hải Dương là một trong những bệnh viện có số lượng bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhiều. Mặc dù là ngày nghỉ Tết dương lịch, tuy nhiên không khí làm việc và bệnh nhân nhập viện đông. Hầu hết trẻ đến đây bị nhiễm đường hô hấp cấp, viêm phổi và tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu nhiều. Bệnh viện đã bố trí 3 phòng khám với 5 bác sỹ để đáp ứng kịp thời không để ùn tắc.

Hầu hết bệnh nhân nhi nhập viện đều trong tình trạng cấp cứu. Ngay trong đầu buổi sáng đã có trên 40 bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến khám và chữa bệnh. Tuy nhiên hầu hết số thẻ bảo hiểm này đều không có giá trị sử dụng khi việc cấp thẻ bảo hiểm mới chưa được thực hiện. Người nhà bệnh nhân cũng không khỏi băn khoăn vì không nắm bắt rõ quy định mới này. Để thuận tiện và bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, bệnh viện đã yêu cầu bệnh nhân phô- tô tờ bảo hiểm cũ và mọi thủ tục cho nhập viện bình thường.

Anh Trần Duy Kiên bố của bệnh nhân Trần Trung Hiếu ở xã Quốc Tuấn  (Nam Sách) cho biết:  Tôi đưa cháu lên bệnh viện cấp cứu mà không nắm được Luật Bảo hiểm y tế đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nhân viên Bệnh viện Nhi đã hướng dẫn chu đáo và vẫn cho cháu nhập viện điều trị..”. Đây chỉ là một trong những vướng mắc nhỏ gặp phải trong ngày đầu thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

Với việc quy định mức trần chi phí cho bảo hiểm y tế mới cũng đang là gánh nặng cho những bệnh nhân phải điều trị lâu dài, chi phí chữa bệnh lớn. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo xem bệnh viện là nhà, kinh tế gia đình khó khăn thì 5% số kinh phí khám chữa bệnh phải trả đối với họ là vấn đề không đơn giản. Điều này cũng gây khó khăn cho chính bệnh viện vì việc thu phí của nhiều bệnh nhân nghèo cũng gặp khó khăn.

Theo Luật Bảo hiểm y tế khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu. Như vậy, 40 tháng lương cơ bản hiện nay tương đương 26 triệu đồng, trong khi những bệnh nhân mắc phải các căn bệnh nan y, thì chi phí khám chữa bệnh có thể lên tới cả trăm triệu đồng, dẫn đến số tiền mà người bệnh phải chi trả cho bệnh viên là rất lớn.

Mặt khác nhiều loại thuốc điều trị bệnh nhi không có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trong đó có một số loại thuốc kháng sinh đặc dụng đang sử dụng. Với quy định mới thì người bệnh lại phải gánh thêm gánh nặng chi phí mua thuốc.

Việc triển khai luật bảo hiểm y tế mới, được triển khai sẽ có nhiều khó khăn cho những bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên đối với những người có bảo hiểm việc cùng chi trả này sẽ đảm bảo quyền lợi của người bệnh hơn, cũng như chia sẻ tính an toàn cho quỹ bảo hiểm y tế. Để Luật Bảo hiểm y tế thực sự hoạt động có hiệu quả, thiết nghĩ các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát thường xuyên việc triển khai luật tại các đơn vị y tế. Mặt khác cùng tập trung rà soát, phân tích tập hợp những nảy sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đảm bảo quyền và lợi ích của người có bảo hiểm.

ĐỨC THÀNH(Sở Y tế)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đầu thực hiện Luật Bảo hiểm y tế