Theo chuyên gia, bạn không nên chia sẻ quá chi tiết về đời tư, tài chính hay công việc của mình với đồng nghiệp, dù bạn nghĩ hai bên thân thiết đến mức nào.
Các mối quan hệ bạn bè công sở chắc chắn sẽ nảy sinh khi chúng ta dành tới 8 tiếng đồng hồ tại văn phòng mỗi ngày.
Đó thực chất là một điều tốt. Nghiên cứu cho thấy có bạn bè tại nơi làm việc có thể làm tăng sự hài lòng trong công việc, năng suất và hiệu suất.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng khá nhạy cảm vì diễn ra tại nơi ảnh hưởng trực tiếp tới tiền bạc, sự nghiệp.
Nhà tâm lý học Amy Cooper Hakim cho biết: “Bạn muốn trở nên tử tế, chuyên nghiệp và thân thiện. Thế nhưng, bạn không cần kể cho mọi người ở văn phòng về mọi bí mật đời tư của mình, cũng như mục tiêu và ước mơ dài hạn”.
Cân nhắc khi bàn chuyện riêng tư
Nhà tâm lý học Hakim cho biết sự cạnh tranh luôn tồn tại khi bàn đến thu nhập và việc làm.
Không phải lúc nào một mối quan hệ đồng nghiệp lành mạnh - người này ủng hộ và tán dương thành công của người còn lại - cũng khả thi, đặc biệt với ai có tính cạnh tranh và tham vọng cao.
Do đó, bạn không nên chia sẻ quá chi tiết về đời tư, tài chính hay công việc của mình. Chúng có thể bị sử dụng làm “vũ khí” tấn công, đẩy bạn vào thế bất lợi ở một số hoàn cảnh nhất định.
Bạn nên chủ động đặt ra các ranh giới ở những mối quan hệ bạn bè công sở. Thay vì nỗ lực thân thiết với đồng nghiệp, bạn chỉ cần giữ thái độ hòa nhã, cởi mở và chuyên nghiệp.
Bạn có thể uống cà phê hoặc ăn trưa cùng đồng nghiệp, nhưng không nhất thiết phải mời họ tới nhà chơi hoặc tham gia sự kiện của gia đình mình.
Kết bạn với sếp
Tình bạn chốn công sở giữa nhà lãnh đạo và cấp dưới của họ thậm chí còn phức tạp hơn.
“Sẽ có rào cản nhất định về mức độ cởi mở, minh bạch và chân thực khi bạn kết thân với người có chức vụ cao, hoặc thấp hơn mình”, Miriam Kirmayer, nhà trị liệu tâm lý kiêm nhà nghiên cứu về tình bạn, chia sẻ.
Cho dù bạn và sếp có nhiều điểm chung, họ vẫn là cấp trên của bạn. Đương nhiên, bạn vẫn được trò chuyện với họ về những thứ không liên quan đến công việc hoặc đi chơi sau giờ làm.
Thế nhưng, bạn phải để ý hơn về những chủ đề muốn đem ra thảo luận với họ. Chỉ cần vài câu nói vô ý cũng có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của họ về bạn. Hãy nhớ rằng bạn muốn sếp tôn trọng mình và ngược lại.
Dễ gây xao nhãng
Một số tình bạn giữa đồng nghiệp có thể thúc đẩy quá trình làm việc. Tuy nhiên, cũng có những mối quan hệ gây cản trở tiến độ hoàn thành công việc.
Những hoạt động như trò chuyện, vui đùa hay trút giận có thể làm gián đoạn quá trình làm việc, khiến bạn khó tập trung vào nhiệm vụ, dự án được giao. Do đó, hãy thiết lập ranh giới, đồng thời tôn trọng nhu cầu làm việc của nhau.
Ảnh hưởng tới sự đánh giá
Tình bạn ở nơi công sở sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn, sự đánh giá của bạn về người đó trong công việc, và ngược lại.
Nhiều trường hợp, chính sự cả nể, ngại ngùng và tình bạn giữa hai bên khiến bạn luôn làm việc trong trạng thái khách sáo, nhường nhịn, né tránh trao đổi thắng thẳn.
Hãy nhớ đây là công sở và bạn đang ở công ty, không phải ở nhà và đồng nghiệp không phải gia đình, người thân.
Hãy là chính mình
Bạn có thể cảm thấy mình đang thay đổi để hòa nhập với văn hóa công ty và kết bạn mới. Tuy nhiên, tình bạn thực sự, dù ở chốn công sở, chỉ hình thành nếu bạn thể hiện con người thật của mình.
Hơn nữa, việc phải ngụy tạo thành một con người khác ở nơi làm việc rất mệt mỏi và tốn năng lượng cho bạn.
Mặt khác, khi thể hiện tính cách thật, bạn có thể khó hòa đồng với một số người. Nhưng điều đó hoàn toàn ổn, miễn là bạn hài lòng với những người bạn công sở của mình.
Theo Zing