Nam sinh Yên Bái bị đánh tử vong khi ngăn nhóm người bắt nạt học sinh ít tuổi. Cái chết của em là nỗi đau về lòng tốt chưa được bảo vệ bởi chính hành động của mỗi người.
Ngày 15.7, báo chí đưa tin nam sinh 13 tuổi ở Yên Bái bị đánh tử vong khi can ngăn nhóm người bắt nạt các học sinh ít tuổi tại quán trà sữa.
"Vụ việc xảy ra, một con người mất đi tính mạng khiến chúng ta không khỏi đau xót. Với con mắt của một nhà tâm lý, tôi rất đau lòng vì nhìn thấy một số điều đằng sau án mạng này", PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội viết trong bài gửi tòa soạn.
Sự thờ ơ, ích kỷ của những người xung quanh khiến người tốt cô độc. Ảnh minh họa: DNA India
Không ai đứng ra bảo vệ nam sinh
Thứ nhất, các gia đình, cộng đồng luôn lên án, bức xúc về những vụ bạo lực học đường nhưng chính chúng ta lại thờ ơ, không phản ứng, khi chứng kiến bạo lực xảy ra trước mắt.
Trong tình huống nhóm học sinh uống nước tại quán trà sữa, nhiều người lớn khác có thể ở xung quanh. Nhưng dường như, không ai phản ứng để ngăn ngừa hành động bắt nạt.
Thậm chí, khi một học sinh bất bình, đứng dậy can ngăn, bị đuổi đánh, mọi người cũng không can thiệp, dẫn đến án mạng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi thứ vội vã hơn, con người cũng ngày càng trở nên ích kỷ, sống vội vàng vượt lên trước người khác hoặc bận bịu đầu óc với cơm áo gạo tiền.
Chúng ta chỉ tập trung những gì thích hợp và liên quan mình, không còn chú ý, quan tâm cảm xúc của người khác, vì tốn thời gian và sợ phiền phức.
Ngay trong gia đình, việc trẻ được giáo dục theo cách nếu gặp các vụ rắc rối trên đường hãy tránh xa, đi đường khác kẻo bị vạ lây, cũng không hiếm gặp.
Vì vậy, khi ai đó gặp “tình huống khẩn cấp”, cần sự giúp đỡ, chúng ta cũng tính toán xem giữa cái mất, được, bên nào nặng hơn. Sự chần chừ, cái ác, sợ bị phiền phức trong tình huống này của những người xung quanh góp phần dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chúng ta cần nhớ rằng cái thiện cũng cần có sự đoàn kết và sức mạnh số đông để có thể chiến thắng cái ác. Nếu tất cả lòng tốt đều vô tâm đứng nhìn, câu nói “ở hiền gặp lành” có lẽ phải đổi thành “ở hiền gặp phiền”.
Trẻ chưa biết bảo vệ mình khi hỗ trợ người khác
Điều thứ hai khiến tôi đau lòng là mặc dù có rất nhiều chính sách đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành về phòng chống bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng, chúng ta chưa hình thành được cho các em kỹ năng ứng phó phù hợp với tình huống bạo lực.
Các chương trình vẫn được tổ chức nhưng chỉ mang tính lý thuyết hình thức, chương trình không được kiểm định, thậm chí người lớn cũng không có kiến thức, kỹ năng đúng để dạy cho học sinh.
PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
Trong những tình huống chứng kiến bạo lực, để hỗ trợ nạn nhân, các em cũng phải chú ý đến sự an toàn của chính mình, đừng đổ lỗi, sa vào tranh cãi hay có thái độ, lời nói có thể làm sự việc tồi tệ hơn.
Để giữ an toàn, trẻ cần lưu ý hai yếu tố, gồm giữ khoảng cách và an toàn về số lượng (có nghĩa là lôi kéo một số người lớn xung quanh cùng tham gia, liên lạc với tổ chức chính quyền cơ sở…).
Mọi cố gắng can thiệp hướng thẳng đến thủ phạm chỉ làm tăng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Chúng ta không bao giờ có thể lường trước được kẻ gây gổ kia có mang vũ khí theo hay không.
Trường hợp cần phải tiếp cận nạn nhân, các em có thể giả vờ như gặp bạn cũ hoặc bạn học cùng trường, mỉm cười với họ và nói rằng rất vui khi gặp họ, mình đang đi đến nơi nào đó gặp một nhóm khác cũng quen biết họ.
Học sinh nên chỉ tập trung nói chuyện với nạn nhân. Việc nói qua lại với thủ phạm sẽ dẫn đến những tình huống ngoài tầm kiểm soát.
Ngoài ra, các em cần hết sức khéo léo để hướng bản thân mình và nạn nhân đến khu vực có nhiều người để có cơ hội được hỗ trợ hoặc chứng kiến.
Trong tình huống cảm thấy nguy hiểm, học sinh có thể đứng trong đám đông, giữ khoảng cách, ghi hình bằng điện thoại. Ngay khi thủ phạm rời đi, bạn hãy đến hỗ trợ nạn nhân, nói rằng họ không có lỗi, hướng dẫn họ báo cáo, giúp họ cảm thấy mình không đơn độc.
Điều cần làm để bảo vệ lòng tốt
Vụ việc cho chúng ta thấy bài học lớn về việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Kỹ năng sống không thể dạy bằng kiến thức lý thuyết suông, tình huống giả định không sát thực với sự biến đổi linh hoạt của cuộc sống.
Công cuộc phòng chống bạo lực học đường nói riêng, bạo lực trong xã hội nói chung, rất cần sự chung tay phối hợp của tam giác gia đình - nhà trường - xã hội.
Chúng ta cần các chương trình giáo dục cho học sinh để phát triển lòng tự tin, giáo dục nhân cách, kỹ năng sống, kiểm soát giận dữ, giải quyết mâu thuẫn, hỗ trợ hòa giải, giảm thành kiến, gia tăng hợp tác, giáo dục luật pháp, phòng ngừa tội phạm và các băng đảng tuổi học đường.
Chúng ta cần giáo dục thanh, thiếu niên về bạo lực trong cộng đồng, trong các buổi hò hẹn, bạo lực trong gia đình, tấn công tình dục.
Với gia đình, quan trọng phải hướng dẫn cha mẹ kỹ năng dạy con cái, giúp phụ huynh lập ra, truyền đạt các mong đợi về hành vi qua hành động và lời nói của bản thân mình, cải thiện biện pháp kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Kênh tương tác giữa gia đình - nhà trường cần được cải thiện và gia tăng sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động giáo dục. Việc ủng hộ nhà trường cũng rất cần thiết.
Nhà trường cần tiếp tục cải thiện văn hóa ứng xử trong học đường, thay đổi và cải thiện kỹ năng quản lý hành vi lớp học của giáo viên, hướng dẫn kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm phi bạo lực cho giáo viên và nhân viên.
Trẻ cần được dạy kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, hỗ trợ hòa giải. Ảnh minh họa: iStock
An toàn trong trường học và khu vực xung quanh trường cần được cần được bảo vệ bằng chế độ giám sát, chiếu sáng, kiểm soát việc ra vào trường.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc giám sát học sinh sau giờ học, cũng như tại các khu vực giải trí.
Việc áp dụng giờ giới nghiêm với thiếu niên, giám sát tình huống học sinh tiếp cận các chất gây nghiện trên địa bàn, lập tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng, cũng rất cần thiết.
Người lớn nên thiết lập chương trình an ninh khu phố để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp, tạo cơ hội việc làm hoặc hỗ trợ thành viên tại khu vực nghèo đói, nguy cơ cao kết nối với các dịch vụ công tác xã hội cộng đồng.
PGS.TS Trần Thành Nam tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành tâm lý tại Đại học Vanderbilt, Mỹ. Hiện, ông là Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE). Ông Nam có nhiều năm tham gia tư vấn học đường, tác giả của nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý. |
Theo Zing