Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp ở khu vực Dải Gaza, Mỹ và Anh thông báo sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo bổ sung cho người dân chịu ảnh hưởng.
Ngày 16/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này và Israel đã nhất trí xây dựng kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. Theo đó, kế hoạch này nhằm tạo điều kiện để viện trợ nhân đạo của các tổ chức đa phương và các nước tài trợ đến được với người dân ở Dải Gaza. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không cung cấp chi tiết về kế hoạch nói trên.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy gói viện trợ vũ khí mới trị giá hơn 2 tỷ USD cho Israel và Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết dự kiến, ông Biden sẽ có các cuộc đàm phán chuyên sâu với Quốc hội Mỹ trong tuần này về sự cần thiết phê duyệt gói viện trợ nói trên. Tuy nhiên, hiện chưa rõ dự luật sẽ được thông qua như thế nào khi Quốc hội đang không có Chủ tịch Hạ viện.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo Anh sẽ viện trợ thêm 10 triệu bảng Anh (khoảng 12 triệu USD) cho người dân Palestine đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Cũng trong ngày 16/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ triển khai một hành lang hàng không nhân đạo đến Gaza thông qua Ai Cập, với các chuyến bay đầu tiên dự kiến trong tuần này. Phát biểu họp báo ở thủ đô Tirana của Albania, bà von der Leyen nêu rõ: "Người Palestine ở Gaza đang cần sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo. Đó là lý do tại sao... chúng tôi sẽ triển khai một cầu hàng không nhân đạo của EU tới Gaza thông qua Ai Cập. 2 chuyến bay đầu tiên sẽ bắt đầu trong tuần này".
Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 16/10 đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh do người dân ở Dải Gaza thiếu nước sạch sinh hoạt và phải sử dụng nước ô nhiễm. Người phát ngôn của UNRWA, bà Juliette Touma cho biết phần lớn người dân ở Dải Gaza vẫn không có nước sinh hoạt, nhấn mạnh nước có ý nghĩa “sống còn” đối với người dân vào lúc này.
Trước đó cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nước, điện và nhiên liệu tại Dải Gaza hiện chỉ còn đủ dùng trong 24 giờ. Theo LHQ, kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và lực lượng Hamas từ ngày 7/10 vừa qua, đã có hơn 1 triệu người dân Palestine buộc phải sơ tán khỏi khu vực phía Bắc Dải Gaza. Quân đội Israel cho biết khoảng 500.000 người dân Israel sinh sống gần Dải Gaza đã đi sơ tán để đến những nơi an toàn hơn trong phạm vi lãnh thổ Israel.
Trong diễn biến liên quan, nhiều hãng hàng không đã điều chỉnh lịch trình trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Hãng hàng không TUI của Bỉ ngày 16/10 ra thông báo về việc hủy tất cả các chuyến bay đến Israel, cho dù từ Bỉ hay Hà Lan. Kế hoạch hủy bay này có hiệu lực từ nay cho đến cuối năm. Trước đó, hôm 12/10, hãng hàng không Brussels Airlines của Bỉ cũng thông báo hủy tất cả các chuyến bay theo lịch trình đến và đi từ Tel Aviv cho đến ít nhất là ngày 22/10.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia của Thụy Sĩ Swiss International Air Lines ( SWISS) cho biết sẽ tạm ngừng các chuyến bay giữa Thụy Sĩ và thủ đô Beirut (của Liban) cho đến ngày 28/10 do căng thẳng giữa nhóm Hezbollah ở miền Nam Liban và Israel. Theo đó, thông báo đình chỉ nói trên sẽ ảnh hưởng đến 4 tuyến bay.
Trước đó, SWISS đã hủy các chuyến bay đã được lên lịch giữa Zurich và Tel Aviv, đồng thời cũng đình chỉ các chuyến bay hồi hương công dân đặc biệt trước khả năng Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ. Khoảng 880 người đã trở về Thụy Sĩ trên 4 chuyến bay như vậy.
Theo báo Tin tức