Tôi luôn có cảm giác bối rối mỗi lần chọn mỳ tôm ở siêu thị. Quá nhiều mẫu mã, khiến tôi mất nhiều thời gian để quyết định.
Sự bối rối đến mức trì trệ này làm tôi nhớ lại thời bé, gần như chỉ có một loại mỳ ăn liền hình hai con tôm. Không cần lựa chọn, và bát mỳ lúc nào cũng thơm ngon, vì đâu có loại khác để so sánh.
Bi kịch phải lựa chọn không xảy ra với một mình tôi. Nhà khoa học hành vi người Mỹ Barry Schwartz từng cho rằng, sự quá tải vì lựa chọn là hệ quả tất yếu của xã hội sản xuất hàng loạt và dư thừa thông tin, cùng tín điều rằng càng nhiều cạnh tranh, người tiêu dùng càng thỏa mãn. Những lựa chọn dựa trên việc ra quyết định có đối sánh chặt chẽ sẽ giúp ta đạt kết quả mong đợi - hạnh phúc, an toàn hơn - và tránh được những rủi ro vô cớ, những mất mát không đáng có.
Ông bắt đầu phân tích từ những lựa chọn thường ngày: quần jeans, hũ mứt; cho đến các quyết định hệ trọng hơn: uống đơn thuốc nào, sử dụng tiền hưu trí ra sao. Schwartz cuối cùng đặt câu hỏi: nếu đa dạng lựa chọn hóa ra lại đánh mất khả năng lựa chọn thì có nên quay lại với sự độc quyền trong quá khứ không?
Độc quyền quần jeans chỉ đem lại sự khó chịu, còn trở về với độc quyền trong các lĩnh vực công liệu có làm tê liệt năng lực ra quyết định của công dân, trong một xã hội ngày càng cần sự tham dự của quần chúng vào các chính sách chung.
Phiên họp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14/8 nêu nhận định cần biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì) để tránh hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa.
Trước đó, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Xã hội hóa gắn liền với đa dạng các bộ sách, tăng khả năng lựa chọn cho nhà trường và phụ huynh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngay tại phiên giám sát, đã diễn giải rõ lại về chủ trương này: Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc - nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh - còn sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Theo khảo sát , dù đa số đồng tình với việc không cần thêm một bộ sách (được coi là tiêu chuẩn) từ Bộ nữa, vẫn có 37% bạn đọc thấy cần thiết. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng được đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa cho các cấp học trên địa bàn.
Nhu cầu quay ngược về một bộ sách (tiêu chuẩn) của cả nhà làm chính sách lẫn công chúng, khác xa với sự đồng thuận lớn dành cho Nghị quyết 88 khi nó mới phôi thai, dễ làm ta liên tưởng đến ý kiến của Schwartz - càng nhiều lựa chọn càng làm suy giảm nhu cầu lựa chọn. Nhưng khác với mỳ tôm, có thể nhắm mắt chọn bừa khi đã nản chí, việc lựa chọn đa dạng hóa sách giáo khoa hay không quyết định tương lai của nền giáo dục.
Cơn khủng hoảng lựa chọn, từ những kệ hàng mỳ tôm giờ đã lan vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ hẹn hò trực tuyến cho đến các lĩnh vực thiết yếu như năng lượng, giáo dục, y tế.
Một ví dụ đương đại thường được giới nghiên cứu viện dẫn là ngành điện đã được xã hội hóa cao độ (nhiều nhà cung cấp, nhiều loại hợp đồng) ở phương Tây. Xã hội hóa ngành điện chưa chắc chắn mang lại kết quả như mong muốn - giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn - mà còn góp phần gây ra sự lo lắng cho người tiêu dùng. Một mặt họ mắc kẹt trong mê cung thông tin mà các nhà cung cấp tạo ra, mặt khác họ luôn trong trạng thái chực chờ một thỏa thuận tốt hơn trong tương lai gần. Kỳ vọng này làm họ luôn có xu hướng sợ hãi, tự trách bản thân mỗi khi phải ra quyết định cụ thể.
Yêu cầu giảm thiểu tối đa lựa chọn về sách giáo khoa cho thấy dấu hiệu về nỗi sợ khi đưa ra lựa chọn. Kiến thức chung tăng lên theo cấp số nhân, phương pháp sư phạm ngày càng đa dạng, hệ thống phân phối ngành xuất bản có quá nhiều quy định... dẫn đến việc chọn sách giáo khoa nào cũng tạo cảm giác chưa yên tâm. Sợ hãi trước gánh nặng lựa chọn đẩy nhiều người quay về phương án không phải lựa chọn: một bộ sách có thẩm quyền tuyệt đối.
Tuy vậy, đặc thù của ngành giáo dục là đa dạng và linh hoạt cho phù hợp với biến động liên tục của cuộc sống cũng như đảm bảo cá nhân hóa cao độ chương trình, giúp người học phát triển hài hòa bản thân trong mối quan hệ với thế giới. Thẩm quyền tuyệt đối sẽ không đáp ứng được nhu cầu của giáo dục thế kỷ XXI.
Góp phần vào nỗi buồn lo này là sự nản lòng của công chúng do các cơ chế hành chính phát sinh từ việc đa dạng hóa sách giáo khoa; từ đấu thầu, kiểm duyệt cho đến định giá, phân phối và phương thức lựa chọn bằng hội đồng. Thế nhưng cơ chế hành chính có thể điều chỉnh dần bằng chính sách và pháp luật trong trung và dài hạn. Không thể lấy lý do vướng mắc về hành chính mà yêu cầu từ bỏ cốt lõi triết lý giáo dục mà Bộ và Nghị quyết 88 đã theo đuổi. Sự bất cập ở giai đoạn đầu cải cách giáo dục rất dễ bị vội vã đổ tại đa dạng hóa lựa chọn.
Xét về mặt chính sách, để đối phó với cơn khủng hoảng lựa chọn, đầu tiên, có thể giới hạn số lượng lựa chọn để người dân tập trung thời gian và nguồn lực trong việc ra quyết định. Hiện nay, học sinh cả nước học chủ yếu ba bộ sách gồm: Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong tương lai gần, với nguồn lực của các nhà xuất bản, khó có thể có quá 5 bộ.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức về vai trò của sách giáo khoa - chỉ ở mức một học liệu quan trọng. Ngoài học liệu này, còn có chương trình giáo dục nhà trường, tài liệu soạn thêm của giáo viên, các hoạt động chuyên đề, ngoại khóa, danh mục tài liệu tham khảo từng môn (trực tiếp và trực tuyến)... Giảm mức độ kỳ vọng tuyệt đối vào sách giáo khoa, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng học liệu của nhà trường là đóng góp quan trọng về tri thức mà cộng đồng có thể dự phần.
Thứ ba, chính quyền cần thống nhất các văn bản luật, chỉ đạo các bộ ngành phối hợp tốt để sớm đưa ra các cơ chế hành chính minh bạch, hỗ trợ công chúng tiếp cận thông tin tổng thể về các bộ sách giáo khoa, từ khi phôi thai tới lúc đến tay người học.
Gánh nặng lựa chọn đè lên cả chính quyền lẫn công dân, nhưng sự gian nan trong lựa chọn sẽ quyết định giá trị nào chúng ta theo đuổi, tương lai nào chúng ta bồi đắp.
Theo VnExpress