Món ăn làm ấm cơ thể mùa lạnh

01/12/2021 08:33

Trà gừng, khoai lang, bí ngô, tỏi... giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng, thích hợp khi trời lạnh.

Theo khoa học, vào mùa đông, nhiệt độ thấp khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại. Do đó, nhiều người ăn đồ cay để giữ ấm, tăng cường trao đổi chất, giúp điều hòa, cân bằng cơ thể.

Dưới đây là một số món ăn giúp làm ấm cơ thể:

Trà gừng

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết trước Công nguyên, con người đã dùng gừng ăn kèm thịt chim, cá, ba ba cho đỡ lạnh, dễ tiêu. Trong gừng chứa tinh dầu 2-3%, nhựa dầu 5%, dầu mỡ 3,7%, tinh bột, chất cay (zingeron, zingerol, sogal). Gừng sống (sinh khương) có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng cháy (thán khương) trị đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô (can khương) tác dụng tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả. Vỏ gừng (khương bì) tác dụng tiêu phù thũng (lợi tiểu).

Có thể pha trà gừng theo hai cách. Thứ nhất là trà gừng chanh: Cho gói trà lọc vào một chiếc cốc to, tiếp theo thêm gừng và vài lát chanh tươi. Sau đó đổ nước sôi, ngâm trong vòng 5 phút, cuối cùng thêm một thìa mật ong. Thứ hai là trà gừng quế: Cho túi trà lọc, gừng, quế (bẻ đôi) và lát chanh vào một chiếc cốc to, sau đó đổ nước sôi vào cốc. Sau khoảng 5 phút, lọc hết phần bã để lấy nguyên nước trà, cho thêm ít mật ong và khuấy đều.

Bí ngô

Bí ngô vừa là thực phẩm nhiều dinh dưỡng, vừa là một cây thuốc quý. Trong y học cổ truyền, bí ngô vị ngọt, tính hơi ôn, tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, nhuận phế, sinh tân dịch, thường chữa đau đầu chóng mặt, mắt kém, viêm gan, thận yếu. Hoa bí, ngọn bí, lá bí tác dụng thanh nhiệt, mát phế, kiện tỳ, tiêu đàm, liễm mồ hôi, sử dụng tốt với chứng ho đàm, táo bón, viêm mật, kiết lỵ, khó ngủ, tiểu đường, tim mạch, huyết áp.

Trời lạnh, ăn một canh bí ngô giúp làm ấm cơ thể. Đặc biệt, 3 dưỡng chất chính trong bí ngô là chất xơ, vitamin A và vitamin C. Vitamin C chống lại các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, các đốm nâu, bảo vệ làn da chống lại các tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa tình trạng mất nước, khô da, nhất là vào mùa lạnh.

Khoai lang

Củ khoai lang tươi chứa 24,6% tinh bột, 1,3% protein, 0,1% chất béo, các men tiêu hóa, vitamin B, C và tiền sinh tố A (có nhiều trong khoai lang nghệ), cùng các khoáng chất, giúp bổ sung chất dinh dưỡng, chống lạnh. Dây khoai và củ khoai chứa lượng nhỏ các chất như insulin, trị bệnh đái đường. Củ khoai hoặc lá khoai luộc ăn có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón.

Cách chế biến dễ và ngon nhất là nướng chín, bóc vỏ ăn nóng. Theo lương y Sáng, để bổ dưỡng nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng, còn muốn giải cảm, chữa táo bón phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng. Nên ăn kèm khoai lang với đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.


Củ khoai lang nướng chín, bóc vỏ ăn nóng thích hợp mùa đông. Ảnh: Furusato

Tỏi

Tỏi có giá trị sử dụng và giá trị sinh học cao, tăng nhiệt cho cơ thể. Tính sát trùng của tỏi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa bệnh cảm lạnh, cảm cúm và ho. Tỏi còn chứa một hợp chất gọi là allicin hiệu quả trong điều trị cảm lạnh.

Trong tỏi có glucosid lưu huỳnh, một chất dầu bay hơi hỗn hợp của sunlfua và oxyt allyl gần như nguyên chất, hai hoạt chất kháng khuẩn là alixin và garlixin. Alixin tác dụng ức chế các vi khuẩn gram (+) và gram (-) (vi khuẩn đường ruột) và chống nấm gây bệnh. Các chế phẩm từ tỏi gồm tương tỏi, rượu tỏi, cao tỏi, thuốc tỏi để xông... có thể sử dụng trong bối cảnh dịch Covid-19 để tăng sức đề kháng. Có thể ăn tỏi sống hoặc làm gia vị cho vào các món ăn.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món ăn làm ấm cơ thể mùa lạnh