Mở rộng địa giới hành chính là điều kiện quan trọng để TP Hải Dương thực hiện quy hoạch chung phát triển không gian đô thị, xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I.
Kết nối qua cầu Hàn và đường vành đai 1, các xã Minh Tân, Đồng Lạc (Nam Sách) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cửa ngõ phía Bắc TP Hải Dương
Sẽ sáp nhập thêm 8 xã
TP Hải Dương hiện có 21 phường, xã với tổng diện tích 7.138,6 ha, dân số khoảng 350.000 người (gồm cả số người tạm trú). Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, TPHải Dương được điều chỉnh mở rộng thêm 8 xã, gồm: Minh Tân, Đồng Lạc (Nam Sách), Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), Tiền Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà), Gia Xuyên, Liên Hồng và Thống Nhất (Gia Lộc). Dự kiến trong năm nay việc "kết nạp" các xã này sẽ hoàn thành. Khi có thêm 8 xã, TP Hải Dương có tổng diện tích hơn 13.070 ha và dân số lên tới 400.000 người. Nếu tính cả số người lưu trú thường xuyên thì có thể đạt tiêu chí dân số của đô thị loại I.
Hiện nay, cả 8 xã sắp về thành phố đều đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng nông nghiệp giảm, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong độ tuổi đều chiếm hơn 70%. Xã Quyết Thắng có dân số hơn 12.000 người, diện tích tự nhiên gần 883 ha. Xã có chợ Vàng đã và đang trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại trong vùng. Xã còn có gần 1.000 người đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Anh... Hơn 60% số lao động trong độ tuổi đang làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Xã Gia Xuyên đang tập trung xây dựng nông thôn mới theo định hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng cường phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát triển và kết nối giao thông. Ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Gia nhập TPHải Dương không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là thời cơ để xã phát triển kinh tế - xã hội. Xã đang tập trung giải phóng mặt bằng tuyến đường vành đai thành phố từ đường 62m sang xã Ngọc Sơn; nâng cấp, mở rộng các đường giao thông trục xã, thôn, xóm. Hoàn thiện các vùng chuyên canh rau màu, hoa đào; thực hiện các dự án xây dựng tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, dân cư từ trung tâm xã đến ngã tư Đồng Um…”.
Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn khẳng định: “Về TP Hải Dương là thời cơ để chúng tôi vận động nhân dân đồng thuận mở rộng đường giao thông nông thôn, chỉnh trang diện mạo thôn, xóm. Xã đang xúc tiến 3 dự án giãn dân với 8ha ở thôn Ngọc Lặc, 3 ha ở thôn Phạm Xá và 7.000 m2 ở thôn Mỹ Xá; xây dựng sân vận động trung tâm, sân chơi, phòng học cho các trường học…”.
Đường trục xã Gia Xuyên (Gia Lộc) có cơ hội nâng cấp, mở rộng khi về TP Hải Dương
Thành phố "ngôi sao"
TP Hải Dương được định hướng phát triển không gian đô thị "ngôi sao" với cấu trúc đa cực hướng tâm, gồm khu vực trung tâm hiện hữu được hỗ trợ, tương tác bởi 5 khu vực đặc thù bao quanh. Khu chức năng 1 là cửa ngõ phía bắc, ngoài xã An Châu, Thượng Đạt được bổ sung 2 xã Minh Tân và Đồng Lạc. Tại đây bố trí các khu đô thị sinh thái, coi trọng không gian trong lành, tăng cường chức năng du lịch sinh thái dọc sông Thái Bình và khu làng gốm Chu Đậu. Dự án khu đô thị bắc cầu Hàn đang khởi động với 1 trong tổng số 3 phân khu sẽ tạo lõi đô thị cho khu vực này. Khu chức năng 2 với khu công nghiệp Nam Sách là trung tâm, ngoài xã Nam Đồng, phường Ái Quốc sắp được bổ sung 2 xã Quyết Thắng và Tiền Tiến sẽ là khu công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở. Khu chức năng 3 và 4 là các xã thuộc phía nam thành phố và các xã sắp được sáp nhập là Thống Nhất, Liên Hồng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn là trung tâm chế xuất và dự trữ nông sản số 1, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, lúa chất lượng cao, rau sạch. Khu vực này cũng là trung tâm chế xuất, dự trữ nông sản số 2 trên cơ sở tăng cường sự liên kết với các trường đại học, cơ sở khoa học. Khu chức năng 5 phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy khu công nghiệp Đại An làm trung tâm, kết nối kiến trúc đô thị với bờ nam sông Sặt.
Định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, TPHải Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Dự báo đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng trung tâm đô thị sang phía nam sông Sặt, 5 cụm đô thị chức năng phát huy động lực. Đường vành đai 1 và các cầu qua sông Thái Bình, sông Sặt kết nối các cụm chức năng; bố trí đất nông nghiệp, đất cây xanh ở không gian giữa đô thị trung tâm và các cụm đô thị. Thành phố sẽ phát triển bền vững với 5 mục tiêu đô thị “công thương, sống khỏe, sáng tạo, đẹp thân thiện và an toàn”. Tầm nhìn đến năm 2050, TP Hải Dương là đô thị "khỏe - năng động - văn hóa".
Ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Dương cho biết: “Thành phố tập trung thực hiện quy hoạch phát triển các phân khu chức năng, dự án kinh tế - xã hội mũi nhọn; các công trình hạ tầng trọng điểm; chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường. Mở rộng địa giới hành chính và thực hiện cắm mốc quản lý. Tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xã hội, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường...”.
Để đạt các tiêu chí của đô thị loại I trong năm nay và được công nhận trong năm 2019, thành phố đang khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị.
THÀNH LONG