Lê tâm sự, nhiều lúc cô còn thân với 2 mẹ chồng hơn cả mẹ ruột. 10 năm qua, Lê luôn biết ơn trước tình cảm và sự tử tế của 2 mẹ dành cho cô.
Mẹ chồng cũ nặng lòng, không nỡ gả con dâu đi
Nhân vật chính trong câu chuyện nhân văn này là Nguyễn Huỳnh Lê (29 tuổi), ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Chồng Lê mất khi cô vừa tròn 19 tuổi. Lê để tang chồng 3 năm, mỗi ngày đều siêng đi chùa, cúng cơm, ăn chay. Bà Nguyễn Thị Phụ (sinh năm 1960, ở Bình Chánh) thương cảnh con dâu còn trẻ mà góa phụ nên đồng ý gả con đi bước nữa.
Mẹ chồng mới của Lê là bà Võ Thị Mỹ Nô (64 tuổi) rất thông cảm cho hoàn cảnh của của nàng dâu và chào đón Lê về nhà bằng tất cả tình thương.
Suốt hơn 10 năm làm dâu, Lê khắc ghi từng kỷ niệm, sự quan tâm của 2 mẹ dành cho cô. Nhớ năm 19 tuổi, Lê chân ướt chân ráo về gặp bà Phụ, cô lo lắng khi biết mẹ chồng là người vô cùng khó tính. Gặp chuyện không vừa ý, bà Phụ thường quăng đồ, trách mắng khiến Lê tủi thân khóc.
"Thôi xong, mẹ khó quá rồi. Nhiều khi mặt mẹ nghiêm lắm, lúc vui mẹ ừ, lúc không vui mẹ không trả lời luôn. Em lại không biết nữ công gia chánh nữa", Lê nhớ lại.
Bà Phụ cũng thừa nhận bản thân có phần khắt khe với nàng dâu: "Lúc đó nó nhỏ xíu, công chuyện nhà mình làm bù đầu bù cổ mà nó không biết cái gì hết". Về sau, bà Phụ nghĩ, thôi thì con trai phải thương dâu nữa, khó quá cũng tội con. Dần dần bà nhẹ nhàng hơn, chỉ bảo Lê làm từng thứ một.
Mấy năm sau ngày chồng qua đời, Lê về báo với mẹ đang quen một người đàn ông cùng huyện, giờ lỡ có em bé. Ban đầu bà Phụ hỏi dò: "Người đó có vợ chưa? Nếu có bầu thì cứ để mẹ nuôi". Nhưng phía nhà thông gia vẫn muốn được đón rước Lê về đàng hoàng. Nghe tin ấy, bà Phụ tuy vui nhưng nặng lòng, không nỡ để con đi.
"Nhà có 2 mẹ con, giờ tôi gả nó đi thì tôi nói chuyện với ai. Tôi cắn răng bảo con, thôi con ráng tìm hiểu tính tình hắn sao, tìm hiểu xong mới quyết định trả lời nhà người ta. Tôi sợ bên con dâu sau về bên đó nhà chồng mới không được như mình. Nếu dạy được thì dạy, không được thì gửi về tôi chứ đừng ăn hiếp, tội nó", bà Phụ rầu rĩ.
Ngày gả con đi, bà Phụ khóc suốt 10 ngày. Cứ dăm bữa, bà lại chạy xuống nhà chồng mới của Lê thăm hỏi vì nhớ quá.
Huỳnh Lê được nhà chồng mới chào đón, yêu thương hết mực
Hai mẹ chồng thay phiên chăm cháu giúp nàng dâu
Về nhà chồng mới, Lê may mắn khi được cả nhà chồng bù đắp sự yêu thương. Trái ngược với mẹ chồng cũ, Lê cảm nhận mẹ chồng thứ hai vô cùng dễ tính. Lê không rành việc nhà, không biết chuyện cơm nước, bà Nô đứng ra quán xuyến hết, để cho con dâu ngủ tới tận trưa.
"Nó vụng về thiệt, nhưng nghĩ con làm dâu được mấy bữa, về lại ốm nghén, thôi tôi bảo để tôi làm hết. Nhà cửa, bếp núc, khỏi làm, thức dậy là có đồ khô mặc", bà Nô kể.
Thời điểm Lê mang bầu, 2 bà mẹ chồng túc trực chăm sóc, bồi bổ cho con dâu liên tục. Bà Phụ thường gọi hỏi Lê thích ăn gì mẹ mua. Biết Lê thích ăn cay, bà mua chục trái ớt trữ sẵn trong tủ lạnh, tới bữa cắt sẵn cho con ăn. Lê không thích ăn cơm, bà hiểu ý liền đổi sang bún gạo, thêm cả tôm, mực cho ăn. Ở cữ kiêng gội đầu, bà Phụ nấu nước trực tiếp gội luôn cho con dâu.
Đến khi đẻ bé thứ 2, Lê nhớ nhất kỷ niệm lần tắc tia sữa, chồng không ở cạnh, bà Nô đã không ngại "thông" luôn giúp con dâu. Hai đứa con của Lê đều do 2 bà nội chăm từ tấm bé. Thậm chí bé đầu rất quấn bà Phụ, tối nào bé cũng đòi lên nhà bà ngủ.
"Thằng cháu nội ruột mà nó không theo bà nội, nó theo tôi không à. Cứ ở bà nội nó quậy, còn lên tôi thì nó lại ngoan", bà Phụ nói.
Mối quan hệ giữa hai phía thông gia cũng rất khăng khít. Hai nhà gần nhau, bà Nô vẫn thi thoảng kêu bà Phụ qua chơi. Chồng mới của Lê cũng rất tâm lý, sợ bà Phụ nhớ con, nhớ cháu nên anh mua cả iPad, chỉ cho bà cách gọi video lúc rảnh.
Lê luôn cảm thấy biết ơn vì sự tử tế của chồng. Nàng dâu gửi lời nhắn nhủ tới ông xã: "Anh tốt với mẹ con tôi là điều quá bình thường, nhưng anh cũng tốt với cả mẹ Phụ luôn. Anh hay kêu về trên cho mẹ tiền đi em. Nhiều lúc tôi ngại, sợ anh suy nghĩ này kia, nhưng anh kêu cứ cho đi, ai cũng là mẹ, là cha. Anh không bao giờ tính toán hết. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ anh, tôi rất thương và biết ơn anh".
Theo Gia đình