"Tắc đường" vốn diễn ra hằng ngày ở các thành phố lớn như một "đặc sản" đáng sợ thì trong khoảng nửa năm trở lại đây đã bắt đầu được nhắc đến ở TP Hải Dương với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Gần nửa tiếng nhích từng chút một tôi mới đi qua được đoạn phố ngắn Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Tất nhiên đó là vào lúc tan tầm và tôi cũng chính là một phần nguyên nhân gây ra việc tắc đường. Nhưng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, tôi bắt buộc phải đưa đón con đi học vào khung giờ đó. Và không có cách nào khác, các phụ huynh đều phải đỗ xe trên đường để đón con tan học.
"Tắc đường" vốn diễn ra hằng ngày ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn như một "đặc sản" đáng sợ thì trong khoảng nửa năm trở lại đây đã bắt đầu được nhắc đến ở TP Hải Dương với tần suất ngày càng nhiều hơn. Với số lượng phương tiện cá nhân tăng rất nhanh, nhất là ô tô, nhiều đường phố nhỏ, nhiều trường học nằm trong các phố cộng với ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông đang góp phần làm cho cảnh kẹt người, xe vào giờ tan tầm trở nên phổ biến hơn.
Trong khi số lượng xe ô tô, xe máy tăng nhanh thì thành phố đang thiếu các bãi đỗ xe cùng với quy định chưa nghiêm về việc cấm dừng, đỗ xe ở một số đường phố. Cơ quan, công sở cũng trở nên chật chội, thiếu chỗ đỗ xe. Trước cửa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố lúc nào cũng có hàng dãy xe ô tô đỗ. Trên nhiều tuyến phố, nhất là ở các khu vực tập trung nhiều hàng quán ăn sáng, cà phê, chợ càng thêm chật hẹp vì xe ô tô đỗ gây ách tắc giao thông...
Cách đây khoảng 3 năm, trong một cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo chủ chốt TP Hải Dương, ngoài cảnh báo về tình trạng tắc đường do phương tiện cá nhân tăng nhanh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu thành phố sớm hoạch định các điểm, bãi đỗ xe; chỉ cấp phép cho các dự án xây mới nếu có quy hoạch bãi đỗ xe. Một số giải pháp về phân luồng, cấm xe theo giờ, bố trí lực lượng điều tiết giao thông... đã được áp dụng. Thành phố đã bố trí bãi đỗ xe tĩnh tại vỉa hè giáp sân vận động. Một số cơ quan, đơn vị xây dựng mới đã có khu vực đỗ xe trong tầng hầm với sức chứa đủ cho đơn vị mình. Mặc dù vậy, một số giải pháp mới mang tính giải quyết tình thế nên đang có nhiều tuyến đường trong thành phố bị thu hẹp vì phải nhường chỗ cho xe ô tô dừng, đỗ.
Tình trạng tắc đường ở TP Hải Dương tuy chưa quá phức tạp nhưng chắc chắn không xa sẽ tương tự như các đô thị phát triển khác với sự gia tăng chóng mặt các phương tiện cá nhân. Với việc xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ này là quy hoạch, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và khu đô thị xanh kiểu mẫu, TP Hải Dương chắc chắn đang có những tính toán, đón trước nhu cầu để có các phương án khả thi cho giao thông nội thành.
Trong đó, bãi đỗ xe Thạch Khôi - 1 đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự kiến được xây dựng trong khu dân cư thương mại và tiểu thủ công nghiệp phường Thạch Khôi với khả năng trông giữ 110.000 lượt xe ô tô/năm và 500.000 lượt xe máy/năm. Việc thành phố bố trí quỹ đất, địa điểm để xây dựng các bãi đỗ xe công cộng là rất cần thiết nhưng cần thiết hơn là phải chọn địa điểm ở những khu vực thực sự thuận tiện, phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Nên học hỏi, rút kinh nghiệm từ các đô thị lớn, thành phố bạn để có các giải pháp tối ưu hơn. Ví dụ, cần tạo cơ chế để thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe thông minh nhiều tầng hoặc ngầm thay vì quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh chiếm nhiều diện tích. Cùng với việc xây dựng các cổng trường an toàn giao thông, thành phố nên rà soát, hạn chế các cổng trường học đấu nối trực tiếp vào làn đường chính để giảm thiểu ùn tắc giờ tan trường...
Đặc sản mà được gọi tên trong ngoặc kép thường không được mong muốn. Vì vậy, bên cạnh những sản vật, sản phẩm đẹp, ngon nổi tiếng, Hải Dương cần sớm bắt tay vào việc xóa bỏ, ngăn chặn những "đặc sản" tồi, làm xấu, gây hại, ảnh hưởng đến văn minh đô thị.
LINH AN