Lơ mơ về Luật Đất đai, người dân thua kiện

13/04/2019 12:00

Thời gian qua, yêu cầu của người khởi kiện trong một số vụ án hành chính liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đều bị tòa án bác bỏ. Nguyên nhân người dân thua kiện là do không nắm rõ Luật Đất đai.


Đơn khởi kiện của vợ chồng ông Nguyễn Văn D. ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh bác do việc giải phóng mặt bằng chưa vào phần đất hợp pháp của gia đình  

Cuối tháng 3, tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh đã diễn ra một phiên tòa hành chính liên quan đến đền bù GPMB. Theo đơn khởi kiện, vợ chồng ông Nguyễn Văn D. ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) có thửa đất 319 m2 mua của bà Lê Thị M. vào tháng 10.1997. Khi mua các bên được UBND xã xuống lập biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất với chiều rộng 10m, dài 32,7 m. Ngày 13.4.2001, diện tích đất trên được UBND huyện Cẩm Giàng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông D. cho rằng năm 2014, việc nâng cấp, cải tạo quốc lộ 38 đã lấn vào diện tích đất nhà ông 78 m2 (chiều rộng 10 m, chiều sâu 7,8 m). Tuy nhiên, UBND huyện Cẩm Giàng không ra quyết định thu hồi và bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đã lấn vào mà chỉ ra quyết định hỗ trợ tiền công san lấp hành lang giao thông khoảng 2,8 triệu đồng. Ông D. không nhất trí nên làm đơn khởi kiện đến Tòa án Nhân dân tỉnh yêu cầu hủy quyết định và thông báo của UBND huyện Cẩm Giàng, đòi bồi thường đối với 78 m2 đã thu hồi.

Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Cẩm Giàng có đơn xin xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, văn bản trả lời về trường hợp của ông D. nêu rõ: Đất của gia đình ông D. được UBND xã Ngọc Liên giao cho gia đình ông Nguyễn Văn C. làm đất ở từ năm 1988 với diện tích 200 m2 (dài 20 m, rộng 10 m). Sau đó ông C. san lấp, vượt lập rồi qua đổi, bán đến gia đình bà M. sử dụng. Căn cứ vào tỷ lệ bản đồ địa chính của các hộ được giao đất năm 1988, mốc đều cách tim đường 38 cũ 9 m. Tháng 10.1997, khi bà M. bán cho gia đình ông D., căn cứ vào hồ sơ địa chính đo vẽ năm 1993, UBND xã Ngọc Liên xác định ranh giới 9 m từ tim đường, sau đó mới đến phần đất sử dụng 319 m2. Khi thực hiện nâng cấp quốc lộ 38, tại đất của ông D., phần mở rộng tính từ tim đường vào là 8,8 m thuộc hành lang giao thông. Do xác định việc GPMB chưa vào đất hợp pháp của gia đình ông D. nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D. 

Từ căn cứ trả lời của huyện Cẩm Giàng cùng với các chứng cứ thu thập thực tế, ý kiến đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh xác định diện tích GPMB tại đất của ông D. thuộc hành lang giao thông nên đã ra quyết định bác yêu cầu của ông D.

Tháng 3.2019, gia đình ông Phạm Văn T. ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) kiện UBND huyện Gia Lộc vì năm 2015 khi cải tạo quốc lộ 38 có lấy vào phần đất của gia đình ông 108 m2 nhưng không áp dụng bồi thường như với đất ở. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi tòa án xem xét, thẩm định, diện tích đất san lấp này thuộc hành lang giao thông. Và sau khi thu hồi GPMB, diện tích đất hiện tại của gia đình ôngT. là 265 m2, vẫn lớn hơn 25 m2 so với diện tích đất ban đầu mà gia đình ông T. được cấp năm 1985. Trước chứng cứ trên, Tòa án Nhân dân tỉnh đã bác yêu cầu khởi kiện của ông T.

Trong những năm gần đây, các vướng mắc về đất đai luôn chiếm số lượng lớn trong các vụ án hành chính. Riêng quý 1.2019, Tòa án Nhân dân tỉnh giải quyết 37/115 vụ việc hành chính đã thụ lý, đa phần về đất đai. Trong các vụ việc về đất đai, các vụ khiếu kiện đòi đền bù GPMB chiếm tới hơn 60%. Người dân kiện các cơ quan chức năng không bồi thường các diện tích đất sử dụng bị thu hồi mà chỉ hỗ trợ tiền san lấp, cải tạo. Tuy nhiên căn cứ vào bản đồ, sổ sách hành chính, các chứng cứ đo đạc thực tế, tất cả các yêu cầu khiếu kiện này đều sai và bị Tòa án Nhân dân tỉnh bác.                  

Nguyên nhân của tình trạng này là vì người dân lơ mơ, không hiểu về Luật Đất đai, tự đưa ra các lý lẽ theo suy nghĩ của mình. Thậm chí sau khi có quyết định của tòa, nhiều người khởi kiện vẫn tỏ thái độ không đồng tình, đòi kiến nghị lên các cấp cao hơn. Điều 82 Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất không bồi thường trong các trường hợp: không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... theo quy định của luật này. Điều 76 Luật Đất đai cũng nêu rõ các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, ở các vụ án hành chính này, diện tích đất thu hồi đều thuộc hành lang giao thông. Do quá trình cư trú, các gia đình đã tận dụng, cải tạo thành đất ở. Khi đo đạc, đất ở của các gia đình này vẫn bảo đảm diện tích đất đã cấp trong giấy chứng nhận.

Để người dân hiểu và nắm rõ về Luật Đất đai, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ban GPMB các địa phương cần gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích thỏa đáng những khúc mắc của người dân, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp. Về phía người dân, trước khi khởi kiện cần tìm hiểu cặn kẽ về pháp luật, đặc biệt không vì lợi ích cá nhân mà biến mình thành người không tuân thủ pháp luật.  

 NGỌC HÙNG 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lơ mơ về Luật Đất đai, người dân thua kiện