Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp nhiều ý kiến về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

PHONG TUYẾT 22/11/2023 18:05

Chiều 22/11, 3 đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã thảo luận sôi nổi tại hội trường, đóng góp nhiều ý kiến đáng chú ý vào dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

3c1c43a7-5161-4bd1-9d9a-440244736f8c.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) chỉ rõ một số quy định trong dự thảo luật còn chung chung. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). 3 đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã thảo luận sôi nổi về dự án luật này.

Quy định còn chung chung

Cho rằng quy định cụ thể về nội hàm của quyền tư pháp mà Tòa án nhân dân thực hiện là cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ, thể hiện rõ trong hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước không chỉ có Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp.

Về việc bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đánh giá các quy định này còn rất chung chung, chưa cụ thể loại văn bản nào thuộc thẩm quyền tòa án có thể xem xét, phán quyết về tính hợp hiến, hợp pháp. " Các văn bản này có bao gồm luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không? Thẩm quyền của tòa án mỗi cấp như thế nào và quy trình thực hiện cụ thể của thẩm quyền này ra sao?", đại biểu Thoa đặt câu hỏi.

Không quy định giải thích áp dụng pháp luật

909b9ba9-02d3-4c8d-b8b4-65101e02348b.jpeg
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phân tích chỉ cơ quan làm ra luật mới có thể giải thích đúng đắn tinh thần pháp luật. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn băn khoăn quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử có thể phát sinh một số vấn đề.

"Cơ quan làm ra luật thì mới có thể giải thích đúng đắn tinh thần pháp luật. Quốc hội ban hành luật thì chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được giải thích luật. Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư chỉ để hướng dẫn thi hành, hoặc quy định chi tiết. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ban hành nghị quyết để hướng dẫn đường lối xét xử", đại biểu Hoàn phân tích.

Đại biểu Hoàn cũng băn khoăn liệu kết quả giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử có là một trong những nguồn tham chiếu để giải quyết các vụ án, vụ việc khác hay chỉ phục vụ xét xử vụ án cụ thể đó.

Do đó, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo hoặc quy định lại theo hướng “giải thích lý do áp dụng quy định pháp luật” để rõ ràng, đồng bộ.

Bảo vệ trụ sở tòa án chặt chẽ hơn nữa

d386a6b8-3ba5-47a2-922f-785f13f20d48.jpeg
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) quan tâm đến an ninh tại các trụ sở tòa án và các phiên xét xử. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Quan tâm đến an ninh tại các trụ sở tòa án, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị cần có cơ chế hữu hiệu để bảo đảm an ninh trật tự tại tòa án.

Từ thực tiễn công tác của tòa án, đại biểu Định Thị Ngọc Dung nhận thấy đây là yêu cầu cấp thiết vì trụ sở tòa án thường tập trung đông người, nhất là khi có phiên tòa.

"Người tham gia phiên tòa thường là người nhà của bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án. Khi đến phiên tòa, những người này dễ có tâm lý căng thẳng với nhau. Nhiều trường hợp đã xảy ra xô xát, thậm chí chống đối chủ tọa hoặc tấn công người tiến hành tố tụng", đại biểu Định Thị Ngọc Dung phản ánh.

Bên cạnh đó, một số phần tử tiêu cực chống đối đã lợi dụng việc xét xử công khai để lôi kéo, dụ dỗ, kích động người dân, gây rối tại trụ sở tòa án. Hiện nay, chỉ trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao mới có lực lượng cảnh sát bảo vệ. Đại biểu Dung cho rằng các trụ sở tòa án là nơi quản lý, lưu giữ các tài liệu liên quan đến việc quyết định sinh mạng, tự do, quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nên cần được bảo vệ chặt chẽ hơn.

Đại biểu Dung cũng đề nghị quy định chặt chẽ hơn việc thông tin tại phiên tòa vì có một số trường hợp phát trực tiếp, chia sẻ hình ảnh diễn biến phiên tòa lên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông gây định hướng lệch lạc, ảnh hưởng đến quá trình xét xử và tấn công, bình phẩm những người tham gia xét xử.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp nhiều ý kiến về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân