Dai dẳng nỗi đau tai nạn lao động

26/05/2019 08:31

Tháng 5 này, cả nước đang hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

Cuộc sống của gia đình bà Sinh gặp nhiều khó khăn khi anh Điệp qua đời vì tai nạn lao động

Hơn ai hết, những gia đình có thân nhân là nạn nhân của tai nạn lao động  hiểu rõ điều này bởi họ đang phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát hằng ngày do tai nạn lao động gây ra.

Mất mát không gì bù đắp

Một buổi sáng tháng 9.2018, như thường lệ anh Nguyễn Xuân Điệp ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) chào mẹ và tạm biệt vợ con đi làm. Những người thân của anh Điệp không thể ngờ rằng đó là lần cuối cùng được trò chuyện cùng anh. Bởi ngay sau đó, gia đình anh Điệp bàng hoàng nhận hung tin anh đã qua đời do tai nạn lao động (TNLĐ) ở Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69-3 (xã Quang Phục, Tứ Kỳ), nơi anh Điệp làm việc. "Đến bây giờ tôi vẫn không tin là con trai mình đã mất. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và đột ngột. Trong tâm thức tôi vẫn luôn hiện hữu cảnh con trai chào hỏi trước và sau khi đi làm về", nói rồi bà Vũ Ngọc Sinh (mẹ anh Điệp) cúi xuống lau vội dòng nước mắt. Những người hàng xóm đến nhà bà Sinh chơi còn kể với chúng tôi rằng, từ ngày bố mất đến bây giờ, đứa con trai út của anh Điệp (sinh năm 2014) cứ đến tối, hễ nghe tiếng xe máy đi qua ngõ lại chạy ra ngóng bố. Mỗi lần đi học về, cậu bé đều đứng trước di ảnh bố, cúi đầu rồi cất lời: "Con chào bố ạ!", khiến ai cũng phải nghẹn lòng.

Cũng gần một năm trước, ông Phạm Văn Diện ở thôn Lương Xá, xã Gia Hòa (Gia Lộc) mất đi cháu trai do TNLĐ. Người cháu ấy là anh Phạm Văn Tân (sinh năm 1982), trong lúc làm việc tại Công ty CP Ống thép Thuận Phát ở xã Hưng Thịnh (Bình Giang) đã bị một ống kim loại nặng đè vào người dẫn đến tử vong. Mỗi khi nhắc đến đứa cháu trai xấu số, ông Diện rất đau buồn bảo: "Buổi sáng hôm ấy, cháu đi làm rồi không về nữa. Giờ tôi muốn gặp cháu thì chỉ nhìn ảnh trên ban thờ thôi, muốn nói gì cũng chỉ một mình tôi nói".

Nỗi mất mát không gì bù đắp ấy vẫn còn dai dẳng ở nhiều gia đình khác. Theo thống kê của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, chỉ tính trong 2 năm 2017-2018 có gần 50 người thiệt mạng vì TNLĐ và tai nạn giao thông được coi là TNLĐ. Họ ra đi đột ngột, để lại nỗi đau không gì khỏa lấp được trong lòng những người thân. Cũng trong thời gian trên, các vụ tai nạn còn làm khoảng 200 người bị thương nặng.

Gánh nặng mưu sinh

Phần lớn những người bị TNLĐ là trụ cột trong gia đình nên khi họ mất đi hoặc bị tai nạn mất sức lao động thì mọi gánh nặng sẽ dồn lên vai người thân.

Sau khi bố mất, anh Điệp trở thành chỗ dựa chính cho mẹ, vợ và các con. Mấy năm gần đây, bà Sinh mắc bệnh ung thư đại trực tràng, sức khỏe giảm sút và điều trị tốn kém. Từ ngày anh Điệp mất, bà Sinh dù đau lòng nhưng cũng gắng gượng vì con dâu và các cháu. Theo lời bà Sinh, mong muốn của anh Điệp khi còn sống là gom góp tiền xây thêm tầng 2 của ngôi nhà đang ở, để khi các con lớn có chỗ ngủ, chỗ học thoải mái hơn. Giờ thì điều đó là quá xa vời với gia đình bà. Vì đau ốm nên bà Sinh chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu, làm công việc nhẹ nhàng. Mọi chi phí lo cho 2 con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình đều dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ anh Điệp. Nhắc đến con dâu, bà Sinh lại nghẹn lời: "Giờ mọi gánh nặng đều đặt lên vai con dâu nhưng tôi không giúp gì được. Chỉ mong con khỏe mạnh, vượt qua hoàn cảnh nuôi các cháu trưởng thành".

Tại lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động của tỉnh ta vào đầu tháng 5 này, anh Trần P. ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là một trong 4 nạn nhân bị TNLĐ được nhận quà hỗ trợ. Nhưng anh P. đã không đến. Ông Đinh Văn Bàng, cậu ruột của anh P. cho biết một phần vì sức khỏe yếu, phần còn lại do anh ngại xuất hiện trước mặt mọi người vì những di chứng do tai nạn khiến anh đi lại khó khăn.

Anh P. bị tai nạn vào cuối năm2018 khi đang làm việc cho một xưởng cơ khí tư nhân. Hậu quả, anh P. bị dập xương chậu và chấn thương niệu đạo. Anh phải điều trị hơn 3 tháng ở bệnh viện. Hoàn cảnh của anh P. cũng rất đáng buồn. Vợ chồng anh đã ly dị từ lâu. Anh P. ở cùng mẹ già và nuôi con gái đang học lớp 8. Anh bị tai nạn, không còn thu nhập nên cuộc sống gia đình càng khó khăn. Mới đây anh P. gắng gượng đi xin việc làm nhưng chỉ làm được ít buổi anh phải nghỉ do sức khỏe không bảo đảm. "Bây giờ 2 bố con P. còn có chỗ dựa là mẹ già để lo cuộc sống hằng ngày. Nếu như sau này P. không tìm được công việc phù hợp thì không biết cuộc sống sẽ ra sao", ông Bàng nói.

Dù thời gian có qua đi nhưng với những người bị TNLĐ và thân nhân của họ chắc chắn nỗi đau sẽ vẫn còn. Mong rằng các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Mỗi người lao động cũng cần ý thức hơn khi tham gia sản xuất, để bảo đảm an toàn cho chính mình.

THANH NGA

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị TNLĐ như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Người lao động bị TNLĐ mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì người sử dụng lao động bồi thường với mức: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5 - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ.

(0) Bình luận
Dai dẳng nỗi đau tai nạn lao động