Không trung thực tiền bạc trong đời sống vợ chồng có thể gây tổn thương niềm tin và tác động mối quan hệ.
Báo cáo khảo sát năm 2023 của công ty dịch vụ giải pháp Circuit, Mỹ cho thấy 64% người đã kết hôn thừa nhận có thói quen giấu việc chi tiêu cá nhân với chồng (vợ) với số tiền trung bình 475 USD.
Việc làm trên không vô hại như nhiều người vẫn nghĩ. Có 25% người được khảo sát nói hành động này là gian dối, 10% người nói bị sự tổn thương và 10% thừa nhận thói quen trên ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục của họ.
Ông Taylor Kovar, giám đốc công ty kế hoạch tài chính hôn nhân The Money Couple và Kovar Wealth Management, cho biết chi tiêu không trung thực có thể khiến mối quan hệ căng thẳng và xung đột.
Các chuyên gia tài chính và hôn nhân Mỹ đã đề xuất bốn phương pháp để cải thiện vấn đề.
Tạo cuộc trao đổi thoải mái
Chuyên gia tâm lý Jason Powell, người sáng lập dịch vụ giải pháp hôn nhân Attached Therapy, cho thấy việc che giấu các giao dịch mua sắm thể hiện tâm lý lo sợ.
Nếu ai đó buộc phải giấu hóa đơn chi tiêu thì có khả năng họ cũng cảm thấy không thoải mái tương tự khi chia sẻ về mong muốn, nhu cầu bản thân và sự hài lòng trong đời sống vợ chồng. Vì lý do này, Kovar gợi ý nên tăng cường những cuộc nói chuyện cởi mở và không phán xét trong mối quan hệ.
"Bạn có thể thảo luận về quan điểm, thói quen và mối quan tâm tài chính mà không lo lắng đối phương phản ứng tiêu cực", Jason giải thích. "Cả hai cần tích cực lắng nghe, đồng cảm để hiểu cách tiêu tiền và mục tiêu tài chính của nhau".
Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng cảm xúc an toàn khiến vợ chồng đều không cảm thấy cần phải che giấu việc mua hàng ngay từ đầu.
Đặt ranh giới chi tiêu rõ ràng
Danielle K. Roberts, người sáng lập công ty tài chính Boomer Benefits lưu ý điều này đặc biệt quan trọng với các giao dịch nhiều tiền hoặc khi cả hai sử dụng thẻ ghi nợ chung.
Vợ chồng có thể tạo ra hạn mức tiêu dùng cố định hàng tháng, phù hợp để mỗi người tùy ý sử dụng cho bất kỳ nhu cầu cá nhân nào.
Dù bạn lựa chọn gì, hãy chắc chắn rằng nó phù hợp với mục tiêu tài chính của cả hai. Vợ chồng đặt ranh giới chi tiêu rõ ràng để đảm bảo không có sự hiểu lầm. Đồng thời, nó cũng khiến bạn cảm thấy không nặng nề cần phải xin phép vợ/chồng để mua sắm cá nhân.
Thường xuyên nói về tiền
"Tiền bạc còn liên quan đến các vấn đề như quyền lực, sự kiểm soát và lòng tự trọng", Kovar nói.
Khi bạn cảm thấy không an toàn về tiền bạc, giấu giếm là điều dễ hiểu. Ngoài ra, áp lực xã hội và sự kỳ thị những cuộc thảo luận về tiền cũng góp phần hình thành nên hành động này.
Kovar và Sarah Keys, nhà phân tích tài chính hôn nhân cấp cao ở công ty tài chính Wealth Enhancement Group, khuyên bạn không nên né tránh chủ đề được nhiều cặp vợ chồng cho là nhạy cảm này.
Bạn nên lên kế hoạch bàn bạc về tiền hằng tháng hoặc hàng năm, đảm bảo cả hai không có sự giấu giếm. "Việc làm này cho phép bạn theo dõi tiến trình hướng tới các mục tiêu tài chính chung và dài hạn", Keys phân tích.
Làm việc với chuyên gia tư vấn tài chính
Jeff Rose, nhà sáng lập công ty dịch vụ tài chính cá nhân Good Financial Cents nói các cặp vợ chồng thường không có cuộc trò chuyện thẳng thắn về mục tiêu và thói quen tiêu tiền của họ.
Khi căng thẳng tiền bạc leo thang, vợ chồng có thể tìm hiểu và làm việc với bên thứ ba, có thể là chuyên gia, cố vấn về tài chính. Họ sẽ đóng vai trò trung gian để cả hai thảo luận, tìm ra điểm chung về chi tiêu.
Mặt khác, chuyên gia có thể giúp bạn hiểu và đồng cảm với tư duy tiền bạc của đối phương và tháo gỡ bất đồng tài chính.
Theo VnExpress