43 năm đã đi qua, trong tâm trí của những người lính năm xưa vẫn lưu giữ bao kỷ niệm trong những ngày đầu tiếp quản TP Sài Gòn.
Trở về quê hương, cựu chiến binh Tạ Đình Thuân ở thôn Tân Trường, xã Lê Lợi (Chí Linh) luôn miệt mài lao động phát triển kinh tế gia đình
Không quên
Ông Nguyễn Đức Nhuận quê ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) nhập ngũ năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi. Tháng 4.1975, ông được điều về làm Trung đội phó Trung đội bảo vệ Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Ông nhớ lại khoảng 10 giờ sáng 30.4.1975, không khí tại Bộ Chỉ huy bỗng náo nhiệt hẳn lên. Người ra, người vào vội vã, vẻ mặt ai cũng vui mừng, rạng rỡ. Đến khoảng 11 giờ trưa, toàn đơn vị nhận lệnh thu dọn đồ đạc, lĩnh quân trang mới, tư thế sẵn sàng lên đường hành quân. Đúng 15 giờ ngày 30.4, một đoàn xe ô tô dài được xếp đều tăm tắp theo cự ly đã chờ sẵn. Điều đặc biệt là tất cả các xe đều không ngụy trang, cắm cờ giải phóng.
16 giờ cùng ngày, toàn bộ các xe ô tô được lệnh xuất phát tiến thẳng về TP Sài Gòn. Trên cả tuyến đường, đoàn xe không gặp phải một sự ngăn cản nào của quân địch. Người dân hai bên đường từ già trẻ, gái trai đã tụ tập từ trước để đón chào. Thi thoảng bên vệ đường vẫn còn vương vãi một vài vũ khí, quân dụng, xe ô tô của lính Việt Nam Cộng hòa. Đúng 20 giờ, trung đội của ông Nhuận tiến đến cổng Sư đoàn nhảy dù ngụy. Ông cùng đồng đội nhận lệnh tiếp quản, bảo vệ mục tiêu và duy trì an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trong gần 1 tháng. “Khi được tin Sài Gòn giải phóng, cả đơn vị đều vui sướng, xúc động không cầm nổi nước mắt. Khi ấy, ai cũng muốn được báo tin về gia đình để người thân biết là mình vẫn an toàn. Nhưng do kỷ luật của quân đội, chúng tôi phải kìm lòng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Nhuận cho biết.
Ông Tạ Đình Thuân (65 tuổi, ở thôn Tân Trường, xã Lê Lợi, Chí Linh) nhập ngũ năm 1971, cũng trong lực lượng tiếp quản TP Sài Gòn sau ngày 30.4.1975. Khi ấy, ông thuộc biên chế của Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7. 8 giờ sáng 30.4, đơn vị của ông nhận lệnh tham gia đánh trận Hố Nai (Biên Hoà). Đến khoảng 17 giờ, lực lượng của địch không còn khả năng chống cự, toàn đơn vị thừa thắng đi thẳng qua cầu Thị Nghè, chiếm Đại sứ quán Anh, Mỹ, Pháp và nhận lệnh đóng quân, tiếp quản tại Đại sứ quán Pháp ở số 1 đường Mạc Đĩnh Chi. Đơn vị ông làm công tác bảo vệ an ninh khu vực xung quanh quận 1, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành trong gần 1 tháng. Ông Thuân cho biết: “Khó có từ nào có thể diễn tả cảm xúc của chúng tôi trong những ngày tháng lịch sử ấy. Vừa xúc động, vui mừng, vừa thương xót những đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi may mắn hơn một số đồng đội khác là còn được sống để chứng kiến thời khắc lịch sử của cả dân tộc. Và những ký ức ấy sẽ theo chúng tôi mãi đến hết cuộc đời này”.
Sáng ngời phẩm chất người lính
Cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu trong thời chiến, trở về đời thường, dù tuổi đã cao nhưng những người lính năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua khó khăn và có nhiều đóng góp cho quê hương.
Vốn là lính xe tăng, ông Phạm Văn Chiến (68 tuổi, ở khu dân cư số 11 Ngọc Sơn, phường Phả Lại, Chí Linh) đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh và có mặt tại thời khắc giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông nhận lệnh tiếp quản Lữ đoàn 22, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và một số khu vực khác trong nội thành Sài Gòn trong hơn 1 tháng.
Năm 1980, xuất ngũ trở về quê, ông tham gia xây dựng và công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đến năm 2004 thì nghỉ hưu. Trong thời gian công tác, ông luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được tổ chức, cơ quan giao. Về địa phương, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh phường và đảm nhiệm chức tổ trưởng tổ dân phố hơn năm 10 nay. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nếp sống văn minh, duy trì bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều năm liền ông được địa phương biểu dương, được người dân tín nhiệm. Ông Chiến cho biết: “Đã là người lính thì thời nào cũng vậy. Chúng tôi vẫn nhiệt tình trong mọi công việc với mục đích góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì chỉ có chúng tôi mới hiểu hết giá trị của cuộc sống hòa bình”.
Không chỉ trở về góp sức cho quê hương, một số người lính đã ở lại lập nghiệp, phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp cho xã hội ngay tại Sài Gòn. Doanh nhân Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng – Xây lắp thương mại BMC là một trong những người như vậy.
Khi vừa tròn 20 tuổi, ông Ngọc lên đường nhập ngũ. Sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975, ông cùng đồng đội tiếp quản Sài Gòn. Là con cả trong nhà, trách nhiệm với gia đình luôn đè nặng lên đôi vai nhưng ông đã gạt lại nỗi niềm riêng để nhận nhiệm vụ được đơn vị giao vào làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước ở thành phố. Ông chèo lái doanh nghiệp đi lên, phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả. Dù sống ở xa nhưng ông luôn nghĩ về gia đình, quê hương. Hằng năm, dù bận mấy ông cũng thu xếp thời gian để về quê ở huyện Thanh Hà và có nhiều việc làm thiết thực góp sức xây dựng quê hương. Từ năm 1997 đến nay, ông đã ủng hộ huyện Thanh Hà hơn 40 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
ĐỨC TÂM