Đường 20 - Quyết Thắng là tuyến đường tiêu biểu trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Dù gần 60 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày mở tuyến đường lịch sử này vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người lính Hải Dương năm xưa.
“Chọc thủng” Trường Sơn
Sau khi nhập ngũ tháng 9/1965, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương hiện nay, cùng 1.500 chiến sĩ Trung đoàn 5 Hải Dương có 3 tháng huấn luyện tại Ninh Bình. Tháng 12/1965, ông cùng các chiến sĩ của Trung đoàn lên đường vào Nam chiến đấu.
“Ban đầu chúng tôi được lệnh vào chi viện cho tỉnh bạn Phú Yên. Sau hơn 1 tháng hành quân, chúng tôi vượt dãy Trường Sơn, đặt chân sang đất bạn Lào. Tại đây, chúng tôi lại được lệnh quay trở ra Quảng Bình, bổ sung lực lượng cho Đoàn 559 và làm nhiệm vụ mở đường 20, phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh”, ông Sơn nhớ lại.
Mùng 1 Tết Bính Ngọ (ngày 21/1/1966), tại chân dốc Đồng Tiền, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Khi khối bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch, từ hai phía đông, tây, lực lượng làm đường đều đồng loạt ra quân, có cả sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 5 cùng 3 đội thanh niên xung phong thi công mũi phía tây từ Lùm Bùm đến Ta Lê.
“Thay vì nhận vũ khí, đạn dược, chúng tôi nhận cưa, cuốc xẻng, xà beng, choòng để làm nhiệm vụ. Chỉ lệnh của Quân ủy Trung ương cho phép thời gian mở đường không quá 105 ngày, nên kế hoạch được quán triệt một ngày phải xong một km mặt đường. Các đơn vị chia 3 kíp làm việc không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Kíp thì chặt cây, kíp khoan lỗ đặt thuốc nổ phá đá, kíp san lấp mặt đường. Để bảo đảm bí mật, thi công đến đâu chúng tôi phải ngụy trang ngay đến đó”, ông Nguyễn Đình Đồng (ở xã Thống Kênh, Gia Lộc) kể.
Khi đó, việc mở đường hoàn toàn dựa vào sức người chứ không có sự trợ giúp của máy móc. Hàng nghìn m3 đá hộc qua vai nam, nữ thanh niên xung phong đổ xuống dòng nước chảy xiết của sông Trạ Ang, Cà Roòng, A Ki, Ta Lê… để tạo ra những đoạn đường ngầm chạy dưới mặt nước. Hàng chục quả đồi đất, đá gan gà cũng được bộ đội công binh và thanh niên xung phong xẻ, san lấp thành đường.
Với ông Nguyễn Ngọc Nghiêm (ở xã Tứ Cường, Thanh Miện), phần vất vả nhất khi làm tuyến đường này là đoạn qua đèo Phu La Nhích bởi đoạn đường này một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Ông Nghiêm kể: “Nhiều ngày đêm liên tục chúng tôi phải treo mình lơ lửng trên các vách đá, lấy dây mây, dây song buộc quanh người làm dây bảo hiểm. Từng đôi một thay nhau người cầm choòng, người cầm búa tạ loại 10-15 kg đục lỗ nhồi thuốc nổ vào lưng chừng vách đá phá núi mở đường. Tay ai cũng phồng rộp lên, phải lấy giẻ rách quấn lại để chống bỏng rát. Sau khi mìn nổ, từng khối đá hàng tấn đổ xuống chồng chất lên nhau lại phải dùng sức người vần xuống vực”.
Vừa kể, ông Nghiêm vừa đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ: “Đèo Phu La Nhích đá cheo leo/ Mây phủ quanh năm kín lưng đèo/ Lơ thơ khóm trúc bên khe đá/ Chiến sĩ Thành Đông mải miết leo”. Ông bảo, đây là những câu thơ mà đồng chí Phạm Trọng Hồng, nguyên Chính ủy Trung đoàn 5 viết tặng các chiến sĩ của Trung đoàn. “Qua những câu thơ này có thể hình dung sự nguy hiểm, khó khăn khi mở tuyến đường đoạn qua đèo Phu La Nhích”, ông Nghiêm nói.
Đói khổ không nhụt chí
Việc mở đường 20 diễn ra suôn sẻ, an toàn trong 15 ngày đầu. Từ ngày thứ 16, địch trinh sát thấy bụi đá nên tập trung đánh dọc suốt đội hình ta. Từ đây, cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch diễn ra suốt ngày đêm, từ khi bắt đầu đến khi đã thông xe.
“Khi bị địch phát hiện, bắn phá, chúng tôi phải chuyển phương án. Các tiểu đoàn đều có 1 đại đội hỏa lực 12 ly 7. Khi có máy bay tới, những chiến sĩ thuộc đại đội này sẽ làm nhiệm vụ bắn máy bay. Tại các công trường, chúng tôi đều đào hầm, hang trú ẩn. Máy bay địch đi thì ai lại làm nhiệm vụ của người ấy. Những đoạn đường không có cây rừng ngụy trang thì chúng tôi chuyển sang làm đêm bảo đảm thực hiện đúng chỉ lệnh của Quân ủy Trung ương giao”, ông Sơn nói.
Trong những ngày mở đường đó, chịu đói, chịu khát là nỗi ám ảnh của những người lính Trường Sơn. Ban đầu khi mới thực hiện nhiệm vụ, khẩu phần lương thực của các đơn vị đầy đủ, thậm chí có người ăn không hết. Nhưng rồi mở đường vào sâu, không thể vận chuyển lương thực theo nên hằng ngày các đơn vị đều phải cử người quay lại các trạm để nhận lương thực, thực phẩm. Mỗi lần đi lấy thực phẩm là mất cả ngày. Khi bị giặc Mỹ phát hiện, bắn phá, việc lấy thực phẩm càng khó khăn hơn. Ông Đồng bùi ngùi: “Có một đợt, hơn 1 tháng chúng tôi không ra lấy được gạo ăn. Anh em trong đơn vị chia nhau vào rừng hái sung, vả, tìm vặt cây tàu bay, măng rừng, cây móng ngựa để ăn. Nhưng rau rừng, quả dại ăn mãi rồi cũng hết, có khi đi cả ngày chúng tôi cũng không hái được bao nhiêu. Mọi người ai cũng hốc hác”.
Cùng với cái đói, các chiến sĩ Trường Sơn khi ấy còn phải chịu cảnh bị vắt, muỗi cắn, ghẻ lở, sốt rét rừng hành hạ. Ông Nghiêm nhớ lại: “Ngày đó quần áo không đủ mặc do không chi viện được. Phần lớn chúng tôi chỉ có mỗi người 1 bộ quần áo dài, 2 cái quần đùi, áo lót. Hằng ngày khi tắm, chúng tôi phải giặt quần áo ngay rồi phơi trên các tảng đá bên suối còn bản thân thì hoặc là dầm mình trong suối hoặc phơi mình trên bãi cỏ chờ quần áo khô rồi mặc. Không quen khí hậu nên chúng tôi hầu như ai cũng bị sốt rét. Có thời điểm cả đơn vị đều bị, người sốt nhẹ gắng gượng phục vụ người ốm nặng hơn. Rồi thì ghẻ lở, không ai không bị”.
Khó khăn, vất vả tưởng như đã bào mòn sức chịu đựng của các chiến sĩ Trường Sơn nhưng rồi họ đều vượt qua bằng ý chí và nghị lực phi thường. “Công trường giữ vững tốc độ mỗi tháng mở thông từ 15 - 20 km đường. Tôi được biết đây là tốc độ chưa từng có trong lịch sử thi công, mở đường đá”, ông Sơn nói.
Sau 77 ngày thi công khẩn trương, ngày 14/4/1966, 2 mũi thi công đông và tây đã hội tụ trên đỉnh Trường Sơn tại km 65 biên giới Việt - Lào. Ngày 5/5/1966, một đoàn xe 14 chiếc chở đầy gạo chính thức khai thông tuyến đường. Sau khi thông đường bộ đội rút đi, chỉ còn lực lượng thanh niên xung phong làm công việc hoàn thiện nền đường, lát mặt đường và bảo đảm giao thông.
Đường 20-Quyết Thắng có chiều dài 125 km, xuất phát từ km số 0 (thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, nay là thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (Lào).
Theo tư liệu của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, đã có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến tham gia mở đường. Đường 20 đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục 4 tháng thi công với hơn 1 triệu m3 đất đá được đào đắp… Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 đặt tên là Đường 20-Quyết Thắng, bởi lẽ hầu hết những người đã tham gia mở, xây dựng, bảo vệ tuyến đường đều ở lứa tuổi 20. Đây là con đường của tuổi trẻ, biểu trưng cho ý chí, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ, hoàn thành khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Tháng 3/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vào thăm và kiểm tra tuyến đường đã khẳng định: “Đường 20-Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Hải Hưng (cũ) có trên 20.000 người vào chiến đấu tại tuyến lửa Trường Sơn, đã lập công xuất sắc, có 2 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những ngày này, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh các địa phương trong tỉnh đã, đang tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).