Quốc phòng

Mãi tự hào người lính hải quân Việt Nam

NGHĨA AN 05/08/2024 07:00

Ký ức về một thời vượt qua muôn vàn gian khó để xây dựng và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những lính hải quân người Hải Dương.

00:00

Các thành viên tron Ban Liên lạc truyền thống Hải quân Hải Dương gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm
Ông Vũ Văn Kế ở phường Bình Hàn (đứng ngoài cùng bên trái) và bà Nguyễn Thị Thanh ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) trò chuyện với đồng đội trong Ban Liên lạc truyền thống hải quân tỉnh Hải Dương

Kiên cường giữa biển khơi

Ông Vũ Văn Kế (68 tuổi) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) từng là chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Ông Kế vẫn nhớ như in những chiến công của tàu HQ-505 huyền thoại.

Ngày 13/3/1988, ông Kế được giao nhiệm vụ “hoa tiêu” trực tiếp dẫn đường cho đoàn tàu HQ-505 đến bảo vệ đảo Cô Lin (thuộc nhóm đảo Sinh Tồn, Trường Sa). “Tôi biết trước sẽ có nguy hiểm, sóng gió trực chờ, có thể sẽ không trở về. Nhưng chúng tôi đều xem chuyện sống chết nhẹ nhàng”, ông Kế nhớ lại.

Trên đường di chuyển ra đảo, tàu HQ-505 của ta liên tục bị mất liên lạc với sở chỉ huy do tàu của địch tìm cách ngăn chặn, gây nhiễu. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đơn vị của ông Kế vẫn thả neo ở đúng vị trí đảo Cô Lin. Ông Kế cùng 1 đồng đội khác được giao nhiệm vụ cắm cờ khẳng định chủ quyền trên đảo. Thời khắc ấy khiến ông vừa hồi hộp vừa xúc động, tự hào đến khó tả.

Sau đó, tàu chiến địch liên tục nã pháo vào tàu HQ-505, đạn trúng buồng máy, khu thông tin, đài chỉ huy làm máy bị hỏng phải thả trôi. Gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, tàu trôi xa khỏi đảo hơn một hải lý. Pháo 85, 100 ly trên tàu địch vẫn không ngừng nã đạn khiến tàu HQ-505 của ông Kế bốc cháy. Thân tàu thủng, nước tràn vào các khoang, dầu chảy ra lênh láng mặt biển. Lúc này HQ-505 đã nghiêng và có nguy cơ chìm. “Để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà toàn bộ các chiến sĩ cũng hy sinh, chỉ còn cách đưa tàu lên bãi cạn. Ngay lập tức, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã yêu cầu anh em phải sửa chữa bằng được máy móc để đưa tàu lên đảo. Sau vài phút rồ máy hết công suất, tàu lao lên bãi cạn, nằm gác 1/3 thân trên đảo và trở thành pháo đài kiên cố giữ đảo” ông Kế kể lại.

Khi nhắc về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam vào tháng 8/1964, ký ức một thời oanh liệt lại hiện ra trước mắt ông Đặng Đình Thanh (86 tuổi) ở khu 2, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Ông Thanh từng là lính kỹ thuật của Tàu săn ngầm 225, Tiểu đoàn 200 Hải quân Việt Nam.

Đầu tháng 8/1964, đế quốc Mỹ có nhiều hành động khiêu khích, bắn phá ở miền Bắc nước ta. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã ra chỉ thị cho tất cả các lực lượng tăng cường cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ.

Ông Thanh nhớ chiều 5/8/1964, đội hình máy bay Mỹ từ 3 đến 5 chiếc F5 lao vào tấn công vùng biển của ta. Tàu săn ngầm 225 của ông Thanh lúc ấy được lệnh rời cảng, tiến ra khu vực Cửa Lục, Bãi Cháy (Quảng Ninh). Đường cơ động rộng, máy bay địch “bu” vào tấn công đội hình chiến đấu của ta. Phát hiện mục tiêu bay từ hướng tây nam, thuyền trưởng Lê Văn Chừng ra lệnh các pháo thủ trên tàu 225 bình tĩnh tính toán phần tử, xạ kích và nhả đạn... Từng loạt đạn rền vang và trong mịt mùng khói lửa, một chiếc máy bay Mỹ đã phải “đền tội”... Sau chiến công chung ấy, tàu 225 đã được cấp trên khen thưởng. Nhưng với ông Thanh, điều mừng vui nhất là sau trận đánh này, các chiến sĩ tàu 225 đều an toàn.

Thắm tình đồng đội

trochuyen.jpg
Những người lính hải quân năm xưa trò chuyện, ôn lại kỷ niệm

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày đánh thắng trận đầu của hải quân Việt Nam (5/8/1964-5/8/2024), Ban Liên lạc truyền thống hải quân tỉnh Hải Dương đã tổ chức giao lưu, gặp mặt. Ông Vũ Xuân Dơn, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Hải quân tỉnh cho biết: "Ngày truyền thống là dịp để các đồng chí, đồng đội gặp gỡ, ôn lại truyền thống, động viên nhau tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất người lính hải quân trong cuộc sống đời thường”.

Ban Liên lạc truyền thống Hải quân tỉnh Hải Dương được thành lập năm 1992 đến nay đã có trên 100 hội viên tham gia ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, nhiều cựu cán bộ, chiến sĩ hải quân được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội cựu chiến binh huyện, xã, phường, thị trấn; trưởng thôn, khu dân cư… vẫn miệt mài đóng góp cho công việc chung ở địa phương. Cùng với thường xuyên thăm hỏi nhau, Ban Liên lạc còn hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi) ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương), hiện là thành viên trong Ban Liên lạc là tấm gương sáng trong hoạt động nghĩa tình đồng đội. Bà Thanh nhập ngũ vào tháng 5/1972 sau đó chuyển về Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Dù đã ở tuổi cần được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu 5, phường Thanh Bình. Bà thường xuyên liên lạc với đồng đội cũ để trao đổi, chia sẻ thông tin về biển đảo. "Mong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các quần đảo của ta luôn kiên cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc", bà Thanh nói.

NGHĨA AN
(0) Bình luận
Mãi tự hào người lính hải quân Việt Nam