Quốc phòng

Những người lính Điện Biên kể chuyện xưa

NGHĨA AN 07/05/2024 11:00

Mỗi lần nhắc về những tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cựu chiến binh cao tuổi người Hải Dương đều tự hào xen lẫn bồi hồi, xúc động.

ongchiem.jpg
Ông Nguyễn Xuân Chiếm (88 tuổi) ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) kể lại cho thế hệ sau về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Ph

Khốc liệt

“Tôi vẫn nhớ như in 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ", đó là lời kể của ông Nguyễn Xuân Chiếm (88 tuổi) ở xã Hồng Phong (Ninh Giang). Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Chiếm viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ khi mới 16 tuổi. Ông là lính công binh thuộc Trung đoàn 151 đã có mặt ở Điện Biên Phủ vào cuối năm 1953.

Trung đoàn Công binh 151 phối hợp với các Đại đoàn 312, 316 được huy động làm nhiệm vụ mở đường đưa pháo vào trận địa. Chỉ sau hơn 20 ngày lao động khẩn trương, cả 6 tuyến đường cơ động cho pháo với cả hàng chục km đã hoàn thành. “Xung quanh Điện Biên Phủ ngày ấy bị quân địch thả bom Napan, cây cối cháy rụi hết, chỉ còn rất ít màu xanh nên việc làm đường vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Khi máy bay địch ngừng hoạt động, đơn vị tôi phải lập tức lao ra từ nơi trú ẩn san lấp hố bom, phá bom nổ chậm để bảo đảm giao thông thông suốt”, ông Chiếm nhớ lại.

linhdienbien.jpg
Bức ảnh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của một số người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và thân nhân quê ở xã Hồng Phong (Ninh Giang)

Ngày 1/5/1954, quân ta mở đợt tiến công thứ ba. Đơn vị công binh của ông Chiếm cùng 1 đơn vị khác được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm quân địch. Sau hơn 1 tuần đổ biết bao mồ hôi, công sức, đường hầm ngầm đã hoàn thành, các chiến sĩ đặt khối bộc phá sát hầm ngầm quân địch. Từ đó, quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu còn lại, "bẻ gãy" cuộc phản kích của địch, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm Đờ Cát.

Sau ngày chiến thắng, ông Chiếm vinh dự được trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ lên ngực áo. Tấm huy hiệu ấy ông Chiếm vẫn gìn gìn cẩn thận đến ngày nay.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có phần đóng góp rất quan trọng của lực lượng pháo binh. Ông Nguyễn Văn Thảo, năm nay 96 tuổi ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) từng là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ (Trung đoàn 367, Đại đoàn 351). Tiểu đoàn của ông Thảo được trang bị khẩu pháo 12 ly 8, 37 ly và cùng các đơn vị pháo binh khác được đặt trên các đỉnh đồi xung quanh khu vực Điện Biên Phủ. Ông Thảo kể lại pháo binh lúc ấy của quân đội ta được bố trí với phương châm "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung". Đội hình pháo tuy đặt rời rạc nhưng đều hướng về các mục tiêu của địch. Lực lượng pháo phòng không của đơn vị ông Thảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi nhiều máy bay địch và ngăn cản máy bay địch ném bom đánh phá cũng như tiếp viện lực lượng, thực phẩm.

Mãi không quên

ongliem.jpg
Với cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Văn Liễm (93 tuổi) ở xã An Thanh (Tứ Kỳ), ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ thật khó phai

Đầu tháng 4 vừa qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiện (88 tuổi) ở thôn Quàn, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã gặp lại những người đồng đội năm xưa tại chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên ở tỉnh Thanh Hóa. Trong ký ức của ông, những ngày tháng chiến đấu và chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ thật khó quên. Ông Chiện là lính thuộc Trung đoàn 42-một trong những Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tình nguyện xung phong tiến về "chảo lửa" Điện Biên Phủ chiến đấu.

Cuộc hành quân lên Điện Biên Phủ để lại trong tâm trí ông Chiện là một hành trình băng rừng, lội suối với địa hình phức tạp, những con dốc lớn, những con đường bí mật xuyên rừng cùng những con suối sâu nước chảy xiết. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông Chiếm đã tham gia trọn vẹn chiến dịch và chứng kiến sự khốc liệt, đổ máu của đồng đội. Đơn vị của ông Chiếm được giao nhiệm vụ đánh quân địch nhảy dù và đánh quân tiếp viện từ Lào sang.

"Tinh thần của những người lính trẻ như chúng tôi lúc bấy giờ cần mở đường máu là mở đường máu, cần hy sinh là sẵn sàng hy sinh. Sau những trận chiến cam go, khốc liệt, tôi cùng đồng đội, những người lính Điện Biên Phủ được sống trong giây phút vui sướng khi quân địch đầu hàng. Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu giữa ta và địch, ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng thua, đúng như Bác Hồ nói đánh thắng Điện Biên Phủ là làm thay đổi cả Đông Dương”, ông Chiện xúc động kể lại.

Đúng 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cựu chiến binh Phạm Văn Liễm (93 tuổi) ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) từng làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ sở chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Ai cũng mong ngóng đến phút giây chiến thắng. Nhưng không thể hình dung thế nào là chiến thắng và khi nó đến thì cứ ngỡ như trong mơ. Lúc đó, tôi cùng đồng đội nhìn thấy cờ trắng của kẻ địch ra hàng. Ai cũng xúc động, nghẹn ngào khó tả”.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hải Dương có hàng nghìn người con trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đến cuối tháng 2/2024, toàn tỉnh có 471 người trực tiếp tham gia chiến dịch đang sinh sống tại địa phương. Họ đều đã cao tuổi, sức yếu, nhưng vẫn nêu gương sáng cho con cháu noi theo và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.

NGHĨA AN
(0) Bình luận
Những người lính Điện Biên kể chuyện xưa