Việc tử tế

Những người lính già vì bình yên thôn xóm

TRẦN HIỀN 11/12/2024 11:00

Phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính già ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đã không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia hoạt động ở địa phương, vì bình yên thôn xóm.

nhung-nguoi-linh-vi-binh-yen-thon-xom-2-(1).jpg
Tổ tự quản của Hội Cựu chiến binh xã Quốc Tuấn (Nam Sách) tham gia xử lý vi phạm ở khu vực chợ Rồng

Ngăn chặn nhiều vụ trộm cắp, gây rối

Như thường lệ, đầu giờ sáng, những người lính già, thành viên của Ban Quản lý chợ Rồng (xã Quốc Tuấn) lại bắt đầu công việc tuần tra thường ngày ở chợ. Tại khu vực này, các loại hình kinh doanh dịch vụ phát triển nên các đối tượng xấu dễ trà trộn. Không ít lần, Ban quản lý chợ đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng có hành vi trộm cắp, tịch thu tang vật và bàn giao cho lực lượng công an xã xử lý.

Trước đó, thông qua nắm địa bàn và thông tin cung cấp của người dân, tổ tự quản của Hội Cựu chiến binh xã Quốc Tuấn cũng đã ngăn chặn vụ xô xát của 1 nhóm thanh niên ở khu đô thị Thanh Quang - Quốc Tuấn. Qua kiểm tra, tổ tự quản đã thu giữ 8 dao phóng lợn của nhóm đối tượng. Nhờ phát hiện kịp thời nên không có vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn xã.

Xã Quốc Tuấn mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quốc Tuấn và Thanh Quang cũ. Địa bàn xã rộng, có quốc lộ 37 chạy qua. Tại đây có khu công nghiệp An Phát I đang được xây dựng đã thu hút lực lượng lớn lao động thời vụ. Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phát triển kéo theo đó là các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, những người lính già không quản ngại ngày đêm phối hợp với lực lượng công an xã tuần tra, kiểm soát.

“Trước đây, những vụ việc như trộm cắp vặt, thanh niên tụ tập gây rối, nhổ trộm hoa màu của người dân… vẫn xảy ra. Tuy nhiên, từ khi các tổ tự quản của Hội Cựu chiến binh xã thành lập, tình trạng này giảm hẳn. Đặc biệt là việc mất trộm hoa màu của người dân trước vụ thu hoạch hầu như không còn”, ông Trần Thế Nhất ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn nói.

nhung-nguoi-linh-vi-binh-yen-thon-xom-5-(1).jpg
Hội Cựu chiến binh xã Trần Phú đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách pháp luật

Dù tuổi cao, nhiều cựu chiến binh xã Trần Phú (được sáp nhập từ 2 xã Nam Trung, Nam Chính, cùng huyện Nam Sách) vẫn tích cực góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Hằng ngày, những tổ tự quản của những người lính già vẫn lặng lẽ đi tuần tra, kiểm soát ở từng ngõ xóm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trần Phú cho biết, xã có 3 tổ tự quản về an ninh trật tự, mỗi tổ có 15 thành viên. Ngoài nhiệm vụ phối hợp, tuyên truyền, các tổ còn nắm bắt thông tin của người dân để kịp thời xử lý các vụ việc dễ gây phức tạp nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngoài các xã Quốc Tuấn, Trần Phú, Hội Cựu chiến binh các xã khác trong huyện Nam Sách cũng tích cực phối hợp thực hiện nghiêm Chương trình “Cựu chiến binh tham gia bảo đảm an toàn về an ninh trật tự”.

Toàn huyện hiện có 279 thành viên ở 93 tổ tuần tra tự quản, tổ chức tuần tra ở các xã, thị trấn. Các hội viên đã tham gia tổ cung cấp thông tin cho công an. Chỉ tính riêng trong năm 2024, đã cung cấp được 37 tin, phối hợp tham gia hòa giải được 24 vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ gia đình. Những kết quả trên đã góp phần bảo đảm về an ninh trật tự trên địa bàn huyện Nam Sách.

Giáo dục, cảm hóa

Một trong những nét nổi bật của Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách là làm tốt công tác hòa giải và cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Bằng uy tín, kinh nghiệm và tấm lòng bao dung nhân ái, các thành viên của hội đã tham gia cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm ở địa phương trở thành người tốt.

Chị Nguyễn Thị H. ở xã Trần Phú từng rất buồn phiền vì có con đang học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách thì bỏ học để theo bạn xấu ham chơi, lêu lổng. Gia đình đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng con chị vẫn không thay đổi.

Khi biết được sự việc, các thành viên Hội Cựu chiến binh xã nhiều lần tới nhà động viên, tuyên truyền, khích lệ. Con chị H. đã quay trở lại trường để học tập và ít giao du với đám bạn xấu. Ngoài con chị H., Hội Cựu chiến binh xã đã giáo dục, cảm hóa thành công 5 trong tổng số 7 thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, giúp các em quay trở lại trường học và lao động bình thường. 2 trường hợp còn lại đã bỏ nhà đi và không liên lạc với gia đình.

Giáo dục cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là công việc đột phá của Hội Cựu chiến binh Nam Sách trong năm 2024. Ở tất cả các xã, thị trấn đều xây dựng được các câu lạc bộ cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến; giúp đỡ người lầm lỡ đã chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.

Tham gia cảm hóa thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật là một hoạt động có ý nghĩa xã hội quan trọng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình vận động là tiếp cận với các em bởi các em thường có thái độ né tránh, không hợp tác. Do đó, những cán bộ hội xác định đây là công việc không phải chỉ ngày một ngày hai, mà là một quá trình cảm hoá lâu dài, phải kiên trì để “mưa dầm thấm đất”. Với mục tiêu đó, trong năm, Hội Cựu chiến binh đã phối hợp cảm hóa được 104 thanh thiếu niên chậm tiến, đạt gần 70% tổng số đối tượng này. Sau cảm hóa, các thanh thiếu niên có chuyển biến rõ rệt về nhận thức.

“Dù trong thời chiến hay thời bình, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn có trong mỗi cựu chiến binh. Do đó, việc bảo đảm an ninh trật tự, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi để giữ gìn bình yên thôn xóm luôn là nhiệm vụ của những người lính già như chúng tôi”, ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách cho biết.

TRẦN HIỀN
(0) Bình luận
Những người lính già vì bình yên thôn xóm