Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và cho giá trị kinh tế cao. Thời vụ trồng khoai tây kéo dài từ ngày 25.10 - 15.11.
Để trồng và chăm sóc khoai tây, nông dân cần chú ý:
1. Chuẩn bị đất và giống
Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, dễ thoát nước và giữ ẩm tốt. Đất sau khi gặt lúa xong, cắt rạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống.
Giống khoai tây có thể để nguyên cả củ trồng nếu là loại củ giống nhỏ. Nếu củ giống to nên cắt củ giống trước khi trồng. Ngoài biện pháp cắt củ giống, xử lý bằng cách nhúng vào bột xi-măng, tro bếp. Mỗi củ giống chỉ nên cắt đôi và có ít nhất 2 mầm trở lên. Trồng trung bình từ 830 - 1.100 củ/ha.
2. Cách trồng
Bón lót phân chuồng hoặc rải một lớp rơm rạ đã ủ hoai mục, đạm và lân xuống đáy rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Đặt củ giống hay miếng bổ vào rạch, không để mặt cắt của miếng bổ tiếp xúc trực tiếp với phân, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dày từ 3 - 4 cm, không được để hở mầm.
3. Bón phân
Rải toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm + 2/3 kali lên trên mặt luống giữa hai hàng khoai. Sau khi cây mọc cao 15 - 20 cm thì tiến hành bón thúc lần 1. Bón vào mép luống hoặc giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây vì dễ làm cây chết. Bón thúc lần 2 sau thúc lần 1 từ 15 - 20 ngày. Lưu ý, bón lót nhiều kali sẽ cho củ to, mẫu mã đẹp.
4. Chăm sóc
Sau trồng có thể phủ luống khoai tây bằng chất liệu hữu cơ như rơm, rạ để tạo độ tơi xốp cho đất. Khi cây mọc lên khỏi mặt đất 7 - 10 ngày, tiến hành chăm sóc lần 1 bằng cách xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón thúc đợt 1 rồi vun luống, kết hợp tỉa cây để lại 2 - 3 mầm chính. Sau 15 - 20 ngày khi đã qua tưới nước lần 2 thì tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối. Thường xuyên giữ đất đủ ẩm, dùng nguồn nước sạch để tưới. Nếu thiếu nước hoặc nước trong ruộng không đồng đều sẽ làm củ bị nứt, chất lượng củ và năng suất giảm.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại chính
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp. Chú ý các loại sâu chính hại khoai tây là sâu xám, nhện trắng, bọ trĩ, rệp, sâu hà khoai tây; các bệnh chính hại khoai tây như các loại bệnh virus xoăn lùn, khảm, cuốn lá, mốc sương... Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của mỗi loại thuốc.
6. Thu hoạch và bảo quản
Trước khi thu hoạch cần loại bỏ cây bệnh, cắt bỏ thân lá để hạn chế bệnh hại truyền về củ giống. Thu hoạch khoai tây ở thời điểm phù hợp khi thấy lá vàng, cây rạc dần với thời tiết khô ráo. Khoai tây giống thu hoạch sớm hơn 5 - 7 ngày so với khoai thương phẩm. Loại bỏ những củ bị dập, không nguyên vẹn. Bảo quản ở nơi khô, tối và thoáng khí.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia