Chầm chậm đi qua Hội An

26/08/2018 18:51

Kết thúc chuyện chầm chậm Hội An, tôi leo lên chiếc thuyền chèo tay trên sông Hoài với 20 phút giá 100.000 đồng...

Một góc Hội An

Tôi ghé Hội An rất nhiều lần, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ, có khi ở lại vài ngày, có khi thuê nguyên một chiếc thuyền đi qua tận bên kia sông Thu Bồn, vào Cẩm Kim để chiêm ngưỡng những tác phẩm gỗ của làng mộc Kim Bồng. Tuy nhiên, những lần ghé đó phần nhiều là đi ô tô tới một khách sạn nào đó lấy chỗ ở, loanh quanh rất vội, chụp vài tấm hình. Và lần này tôi quyết định ghé Hội An chi tiết hơn, giống như ai đó đã nói khi đến Hội An thì không cần vội vã, bởi Hội An vốn đã không vội vã. Và dẫu chỉ có một diện tích nhỏ gồm mấy con đường như Phan Chu Trinh, Trần Phú, Bạch Đằng rồi đường rẽ là Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu… nhưng lưng bạn phải thấm đẫm mồ hôi, bạn phải chờ đợi, bạn phải chen cùng mới thấy Hội An thấm vào lòng nhớ khôn nguôi của bạn.

Từ Đà Nẵng, tôi thuê chiếc xe máy chạy theo đường Võ Nguyên Giáp, trước khi ghé Hội An tôi rẽ vào làng rau Trà Quế. Sau đó đi thẳng theo con đường Hai Bà Trưng, dừng lại ở ngã tư Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh gửi xe với giá 5.000 đồng. Khu vực dọc theo đường Phan Chu Trinh cũng có nhiều điểm giữ xe máy, vì trong phố cổ khách chỉ được đi xe đạp hoặc xích lô du lịch. Từ đó, tôi đi dọc theo đường Phan Chu Trinh, con đường có nhiều điểm đến trong các sách giới thiệu về Hội An. Bao quanh tôi cũng có rất nhiều người đi bộ, đi chậm trong nắng chiều đang rải cùng khắp. Họ đến từ mọi nơi trên thế giới, nói đủ thứ tiếng và thật vui khi có hai tiếng trên đầu môi: "Sorry" và "Thank you".

Khách hàng kiên nhẫn xếp hàng mua bánh mì

Hội An đi chậm thôi, theo điều mình muốn biết. Đó là quán bánh mì Phượng nằm ở đầu đường Phan Chu Trinh, gần đường Hoàng Diệu. Quán nhỏ và thiết kế rất Tây, có "chua" tiếng Anh vì khách nước ngoài tới xếp hàng mua đông hơn người Việt. Bà chủ Phượng và ba nhân viên liên tục làm bánh mì bán cho khách, giá cả rõ ràng: bánh mì thịt nướng giá 15.000 đồng, bánh mì thập cẩm 25.000 đồng. Ổ bánh mì ở đây đặc biệt nhất thế giới theo các tạp chí du lịch nước ngoài, còn đặc biệt nhất Hội An và Việt Nam vì mỗi ổ kẹp thêm tờ quảng cáo cho tiệm bánh mì bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Bước vào trong thì tiệm bánh mì cũng giống như nhà hàng cho khách mua xong, vào ngồi ăn bánh, có tủ nước ướp lạnh cho khách mua kèm với bánh mì để uống. Tôi chụp ảnh thoải mái, bà chủ còn tạo điều kiện để chụp cho đẹp. Còn khách đi ngang, thấy vắng lại xếp hàng mua. Có hai người khách Đài Loan sau khi mua bánh mì, ra công viên bên kia đường ngắm nghía ổ bánh mì, dùng điện thoại chụp bánh mì rồi mới ăn. Họ đã được ăn ổ bánh mì ngon nhất thế giới sau khi xếp hàng hơn 15 phút. 

Hội An bảo rằng đi chậm thôi, cho nên không ai đi nhanh cả. Và vì thế, dẫu no bụng, cũng đi tìm quán cơm gà bà Buội cùng trên đường Phan Chu Trinh, số 55. Quán thiết kế màu sắc nổi bật, nho nhỏ và khách chen ngồi. Cơm gà nổi danh nửa thế kỷ ấy bán đĩa cơm từ 35.000 đồng, tùy yêu cầu của khách mà gọi thêm gà. Miếng gà bà chặt đều đẹp, thêm đồ chua, hũ ớt cay... Ai ăn cũng khen ngon, dẫu quán đông cũng chẳng ai nôn nóng trả chỗ mà chủ quán cũng chẳng đuổi khách. Cái danh tiếng của một quán ăn ngoài cách chế biến ngon còn là cái tử tế tôn trọng khách. Nếu quán cơm gà bà Buội đông khách thì đến quán bà Nga cũng trên đường Phan Chu Trinh.

Đi dạo trong phố cổ Hội An chỉ có 2 cách: đi bộ hoặc đi xích lô

Đến chuyện giếng cổ Bá Lễ. Tôi đi ngang con hẻm đó, thấy đề bảng: “Quán ăn Bá Lễ” đi luôn, không thấy tấm bảng ghi để vào. Sau đó hỏi người dân địa phương, họ chỉ đường, lại đi vào trúng quán Bá Lễ, lại được chỉ đi ra. Cuối cùng thì gặp tấm bảng chỉ vào con hẻm nữa: “Giếng cổ Bá Lễ”. Giếng trở thành một di sản riêng của Hội An, được xây bao quanh, đất đai bên cạnh trống. Nhìn vào giếng xây bằng gạch cổ hình vuông, rêu xanh phủ bám. Mọi người cho rằng các món ăn ở Hội An ngon nhờ nấu bằng nước giếng Bá Lễ. Vì đây là tài sản chung nên phải múc bằng gàu. Đang ngơ ngác thì một đoàn khách nước ngoài tới, anh hướng dẫn viên nói với họ về lịch sử giếng. Rồi rất tình cờ, một chị (hỏi mới biết chị lấy nước về An Hội - một làng bên kia sông Hoài) lấy chiếc gàu nhựa để sẵn ở một góc sâu múc nước. Nước được múc đổ đầy vào hai can nhựa, chất lên xe đạp, xe chở nước đi trong phố. Không vội, tôi trò chuyện với một chị còn trẻ có nhà sát vách giếng cổ Bá Lễ, chị cho biết chị là người Đà Nẵng, đây là nhà chồng. Chị nói vui là nhà chị chỉ dùng nước giếng Bá Lễ trong nấu nướng.

Kết thúc chuyện chầm chậm Hội An, tôi leo lên chiếc thuyền chèo tay trên sông Hoài với 20 phút giá 100.000 đồng. Chị Kén, người chèo thuyền năm nay 52 tuổi, đúng là không vội vã. Chị nhè nhẹ khua chèo đưa chúng tôi đi trên một đoạn sông Hoài, ngắm nhìn con đường Bạch Đằng đang có rất nhiều khách du lịch đi bộ, đi xe đạp, đi xích lô hoặc đứng ngồi. Nền tường vàng của những ngôi nhà Hội An tạo nên một gam màu rất lạ.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

(0) Bình luận
Chầm chậm đi qua Hội An