Kinh Môn phát triển làng nghề

21/11/2019 14:16

Không chỉ giữ vững và phát triển các làng nghề truyền thống, Kinh Môn còn du nhập thêm một số nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.


Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở khu dân cư Tống Buồng (phường Thái Thịnh) sử dụng máy liên hoàn trong sản xuất bánh đa

Những năm qua, người dân thị xã Kinh Môn không chỉ giữ vững và phát triển các làng nghề truyền thống mà còn du nhập thêm một số nghề mới, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đa dạng sản phẩm của địa phương.

Đầu tư máy móc, nâng công suất

Thị xã Kinh Môn hiện có 3 làng nghề truyền thống là trồng và chế biến hành mủa thuộc khu dân cư (KDC) An Thủy (phường Hiến Thành), chạm khắc đá Dương Nham (phường Phạm Thái) và sản xuất bánh đa Tống Buồng (phường Thái Thịnh). Những năm gần đây, người làm nghề đã tích cực đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nghề làm bánh đa ở KDC Tống Buồng (phường Thái Thịnh) đã có từ lâu. Trước đây, các công đoạn từ xay xát gạo, tráng, thái bánh đều làm bằng tay nên năng suất không cao. 3 người làm từ 2 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới được khoảng 40 kg gạo. Do làm thủ công nên tráng bánh hoặc thái không đều. Khi mưa phùn, cả làng đều phải nghỉ vì không thể phơi bánh.

Khoảng 10 năm trở lại đây, người làm bánh đa ở Tống Buồng đã có những thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường. Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm 2 đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng mua một dàn máy liên hoàn sản xuất bánh đa.

Công nhân chỉ việc đổ gạo vào bể ngâm và thu bánh đã được cán phẳng đưa ra bên ngoài, còn máy tự động làm các công đoạn từ xay gạo, hút bột đến tráng bánh...

Chiếc máy làm được 1,7-2 tấn gạo/ngày và chỉ cần 4 người cho tất cả các công đoạn trên. Hiện nay, ngoài bán bánh đã được thái, ông Hùng còn bán bánh tấm cho người dân trong tỉnh và TP Hải Phòng, Quảng Ninh.

Để sản phẩm làm ra không bị lẫn tạp chất, bảo đảm chất lượng, ông Đinh Văn Ngân (phường Hiến Thành) đã đầu tư hơn 600 triệu đồng mua máy tách tạp chất cho mủa sấy khô. Trước đây sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, chất lượng đòi hỏi không cao nên ông chỉ thuê người nhặt tạp chất. Cách làm này tốn nhân công nhưng sản phẩm lại không sạch hoàn toàn.

Từ khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Ngân đã đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công. "Công suất của chiếc máy bằng 100 lao động. Các loại tạp chất được loại bỏ hoàn toàn, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng", ông Ngân cho biết.

Không chỉ ứng dụng máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền và người làm nghề ở Kinh Môn còn chú trọng bảo vệ môi trường như đưa làng nghề ra xa KDC, xây cống thu gom, xử lý nước thải, thay than bằng củi hoặc điện...

Du nhập nghề mới

Phường An Phụ vốn là vùng trọng điểm trồng sắn dây, trước đây hầu hết người dân chỉ biết bán sắn tươi. Mấy năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ lớn nên nhiều người chuyển sang nghề chế biến bột sắn dây.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường An Phụ, nghề chế biến bột sắn xuất hiện tại địa phương khoảng 5 năm trở lại đây. Phường có khoảng 50 hộ làm nghề, trong đó có 10 hộ chế biến với quy mô lớn.

Bột sắn An Phụ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Gia đình ông Lương Văn Trúc là một trong những hộ chế biến sắn lớn, mỗi năm làm ra khoảng 1 tấn bột. Theo ông Trúc, để bột sắn có chất lượng cao, từ khâu chọn sắn đến xay, lọc đều phải thực hiện kỹ lưỡng.

"Gia đình tôi bán 90.000 đồng/kg sắn bột, cao hơn những nơi khác từ 10.000-15.000 đồng/kg. Giá bột sắn chênh lệch phụ thuộc vào số lần lọc bột, càng lọc kỹ bột càng trắng và mịn, còn lọc rối, bột sẽ không ngon, giá rẻ hơn", ông Trúc cho biết.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên số người làm nghề chế biến giò chả ở phường Thái Thịnh đã giảm đi đáng kể, những hộ còn lại cũng thu hẹp quy mô. Vào thời kỳ cao điểm, cả phường có 200 hộ làm nghề. Mặc dù vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, tốn nhiều công sức nhưng nghề này đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình.

Giò chả Thái Thịnh nổi tiếng không chỉ trong thị xã mà còn được đưa đi tiêu thụ ở Hải Phòng, Quảng Ninh. "Nghề chế biến giò chả một thời gian nữa mới có thể khôi phục hoàn toàn. Khi đó, chính quyền sẽ có biện pháp định hướng phù hợp và phấn đấu được công nhận là làng nghề", ông Nguyễn Bá Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thái Thịnh nói.

Để giữ vững các làng nghề sẵn có và phát triển các nghề mới, thời gian tới thị xã Kinh Môn sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của làng nghề. Tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tham gia đề án khuyến công để người dân được tập huấn nâng cao kiến thức trong sơ chế sản phẩm cũng như đưa máy móc hiện đại vào sản xuất.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn phát triển làng nghề