Từ lúc này, thể thao thế giới, đặc biệt là bóng đá, cần phải lên kế hoạch cho một chiến lược thương mại mới trong tương lai, khi bước vào thời kỳ "không khán giả".
Thật vậy, những tác động của đại dịch sẽ không còn gói gọn trong phần còn lại của mùa giải này. Truyền thông Anh mới đây cho biết ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (Premier League) đang xem xét việc có thể sẽ phải cấm khán giả vào sân đến tận hết mùa giải năm sau.
Bóng đá là môn bị ảnh hưởng nhất?
Trước Premier League, trong những kế hoạch trở lại của mình, Ban Tổ chức Bundesliga (Đức) đã nói về khả năng sẽ phải đóng cửa các sân đấu đến hết năm nay, tức một nửa mùa giải 2020 - 2021.
Đó không hề là sự lo xa, mà là một viễn cảnh ngày càng hiển hiện rõ khi mọi thông tin từ giới khoa học đều cho biết quá trình điều chế vaccine có thể kéo dài ít nhất một năm.
Dù tình hình đại dịch có lắng xuống, những sân bóng hàng chục ngàn người diễn ra vào mỗi tuần có thể sẽ là nơi làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Vì vậy, sẽ còn một thời gian dài để các cổ động viên mới lại được đến sân.
Môn thể thao nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu không có khán giả? Đó là bóng đá, quần vợt, quyền anh... những môn thu hút hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn khán giả đến sân, qua đó phát triển một hệ thống thương mại khổng lồ.
Thiệt hại không chỉ tiền vé
Tiền vé là khoản thất thu đầu tiên của các câu lạc bộ (CLB) và là một con số khổng lồ. Theo thống kê ở mùa giải 2018 - 2019, tiền bán vé chiếm đến 14,1% doanh thu của các CLB tại Bundesliga.
Với một giải đấu lèo tèo khán giả như Serie A (lượng khán giả trung bình chỉ 26.000 người/trận, bằng khoảng 68% của Premier League và 60% của Bundesliga), thu nhập từ tiền vé cũng chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.
Không chỉ tiền vé, các khoản dịch vụ xoay quanh trận đấu (được gọi chung là matchday, tức doanh thu từ trận đấu) cũng sẽ mất nếu khán giả không thể đến sân. Giới quản lý thể thao châu Âu chia thu nhập của một đội bóng thành 3 phần chính là doanh thu từ trận đấu, thương mại và bản quyền truyền hình.
Như M.U - đội bóng rất giỏi kinh doanh, doanh thu của họ trong năm 2019 là 796,4 triệu euro. Trong số này, doanh thu từ trận đấu là 141 triệu euro (17,7%), tiền bản quyền truyền hình chiếm 38,5%, tiền thương mại chiếm 43,8%.
Không có khán giả, 17,7% thu nhập của M.U sẽ mất. Nhưng các khoản thương mại có lẽ mới là nỗi lo lớn nhất, trong đó quảng cáo là phần bị ảnh hưởng đầu tiên. Thật khó để các nhà tài trợ tiếp tục bỏ tiền khi những biển quảng cáo đặt trên sân không còn được tiếp cận người hâm mộ một cách trực tiếp.
Sụp đổ từ chân "kim tự tháp"
Đau nhất là các đội bóng vừa đầu tư cho việc xây sửa sân vận động như Tottenham. "Gà trống" thành London vừa hoàn thành sân bóng 62.000 chỗ ngồi của mình vào năm 2019, với tổng chi phí lên đến 1,14 tỉ euro.
Tốn quá nhiều tiền, Tottenham phải gỡ vốn. Hồi tháng 2, lãnh đạo CLB ra thông báo giá vé mùa giải tới sẽ tăng ít nhất 1,5%, và nhiều gói vé tăng đến 10%, khiến các CĐV một phen phẫn nộ. Giờ đây điều đó có thể sẽ trở thành vô nghĩa.
Nhưng các đội bóng lớn vẫn còn nhiều khoản thu khác để gỡ gạc qua bản quyền truyền hình cùng những thay đổi khác về mặt thương mại. Còn những đội bóng nhỏ thì không bởi doanh thu từ trận đấu luôn chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của họ.
Thống kê cho thấy trung bình một CLB Premier League có doanh thu từ trận đấu chiếm khoảng 14% tổng doanh thu. Với các đội ở Giải hạng nhất, con số tương ứng là 20%, còn các đội ở Giải hạng nhì lên đến gần 50%. Đó là điều dễ hiểu bởi chẳng ai muốn xem các giải đấu hạng thấp qua truyền hình hoặc mua đồ lưu niệm của họ.
Điều này gây nên một nỗi sợ lớn cho hệ thống bóng đá theo mô hình "kim tự tháp" của châu Âu. Với mô hình kim tự tháp, các giải đấu hạng càng thấp càng có nhiều đội bóng. Điều này giúp phong trào bóng đá ở châu Âu phát triển rất mạnh. Nhưng giờ đây, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến mô hình hoàn mỹ đó bị lung lay nghiêm trọng.
Bundesliga nhận tin dữ Việc CLB Cologne của Bundesliga vừa phát hiện có thêm 3 ca dương tính, khiến hi vọng tiếp diễn mùa giải vào tháng 5 này của Bundesliga nhiều khả năng không thể thành sự thật. Giữ kín tên những người bị bệnh, nhưng CLB Cologne cho biết cả 3 đều không có triệu chứng. Điều này khiến bộ phận y tế của Bundesliga sẽ phải làm việc gắt gao hơn khi tiến hành xét nghiệm toàn bộ các cầu thủ trong thời gian tới. |
Theo Tuổi trẻ