Tuần qua, việc 2 người trong tỉnh chết do ngộ độc rượu lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những “ma men”.
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tập trung đông người bị hạn chế. Nhiều thời điểm, nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa hoặc không được bán hàng tại chỗ. Thế nhưng nhiều người vẫn tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt. Việc coi chén rượu như điều tất yếu trong các bữa ăn đã ăn sâu vào tư duy của nhiều người, nhiều gia đình, trở thành lý lẽ bao biện cho những cuộc nhậu say sưa, lu bù. Chưa kể, một số người còn coi rượu như một loại "dược liệu" để bồi bổ, nâng cao sức khỏe…
Rượu và những tác hại khôn lường của nó đã được cảnh báo quá nhiều song vẫn có người chết vì ngộ độc rượu, chết vì tai nạn giao thông do say rượu. Nhiều người phải đi cấp cứu, điều trị; rất nhiều người đã và đang phải hứng chịu những di chứng do lạm dụng rượu bia như mắc các bệnh về tâm thần, đường ruột, gan…
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được ban hành với nhiều nội dung tiến bộ nhằm giảm tác hại của rượu bia, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức... uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập... Song vì sao các loại rượu nấu, rượu pha, rượu ngoại rõ và không rõ nguồn gốc vẫn được bán tràn lan, quá dễ dàng để đến được tay mọi đối tượng tiêu dùng? Nhờ mạng xã hội phát triển, việc mua rượu càng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Ngày 14.12, tổ công tác số 6, Đội Cảnh sát giao thông số 2 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phát hiện một xe ô tô chở 1.440 chai rượu và nhiều loại hàng hóa khác đều dán nhãn hiệu chữ nước ngoài. Lái xe không xuất trình được giấy tờ hàng hóa. Cuối năm cũng là thời điểm các cơ quan chức năng thường phát hiện, bắt giữ được nhiều đối tượng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có nhiều loại rượu gắn mác rượu ngoại.
Trên thế giới, một số nước đã ban hành luật kiểm soát rượu bia rất chặt chẽ như Thái Lan không cho phép các doanh nghiệp được quảng cáo trực tiếp hoặc gián tiếp về lợi ích của rượu bia cũng như về việc thúc đẩy khả năng tiêu thụ rượu bia. Luật của Mỹ quy định muốn mua rượu bia, mọi người đều phải xuất trình thẻ ID (như thẻ căn cước công dân) và các cửa hàng chỉ bán rượu cho những người trên 21 tuổi...
Dân gian có câu “trời đánh tránh miếng ăn”, nhưng miếng ăn, miếng uống mà mang họa đến cho người tiêu dùng thì phải ngăn chặn. Từ khâu sản xuất, mua bán rượu bia cần quản lý chặt hơn nữa, thực hiện nghiêm theo quy định của luật. Các tổ chức, cơ quan, địa phương cần thể hiện rõ hơn, mạnh hơn vai trò trong công tác tuyên truyền, xử lý những vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, sử dụng rượu bia…
Trong mỗi gia đình cần có sự phê phán, lên án mạnh mẽ tệ nạn nhậu nhẹt quá đà, lạm dụng bia rượu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người uống. Nếu cần, theo luật quy định, các gia đình có thể phối hợp, tham gia hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cộng đồng trợ giúp trong việc quản lý, xử lý người sử dụng rượu bia trái quy định, lạm dụng rượu bia.
LINH AN