Mỗi người phải chủ động khôi phục ngay những thói quen như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dùng nước sát khuẩn tay; giữ khoảng cách trong giao tiếp; khởi động lại việc khai báo y tế...
Dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh và phức tạp. Ngoài tâm dịch mới Đà Nẵng thì đến chiều 2.8, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thái Bình, Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam cũng đã có bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng lo ngại là đến giờ vẫn chưa tìm ra bệnh nhân F0. Khác với các đợt dịch trước, lần này đã liên tiếp có bệnh nhân tử vong vì Covid-19.
Để ứng phó với dịch bệnh, ngày 31.7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo về tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo khẩn trương rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp trong địa bàn quản lý đã từng đến TP Đà Nẵng và trở về từ ngày 1-28.7 để sàng lọc, xác minh người có nguy cơ, tổ chức cách ly y tế phù hợp theo quy định; yêu cầu tất cả các trường hợp này thực hiện ngay việc khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe.
Ngoài Đà Nẵng, nhiều địa phương đã tiến hành truy vết cả những người trở về từ những tỉnh, thành phố khác đang có dịch như Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Nhiều ngành, địa phương trong tỉnh phản ứng khá nhanh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã lập các chốt kiểm soát ở khu vực bán vé, yêu cầu khách vào tham quan phải khai báo y tế, khuyến khích du khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và bắt buộc rửa tay sát khuẩn. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) cũng đã lập các tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về xuất nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú trong tỉnh. Một số nơi đề nghị các hiệu thuốc bán lẻ lập danh sách các trường hợp đến mua thuốc có biểu hiện ho, sốt và thông báo cho chính quyền địa phương để khoanh vùng, có biện pháp theo dõi y tế… Tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh dừng tổ chức đoàn đi tham quan, du lịch ở các tỉnh miền Trung và di chuyển bằng máy bay. Các hội nghị đông người phải đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang. Tạm dừng các hoạt động có quy mô đông người có yếu tố tỉnh ngoài tham gia, tổ chức trên địa bàn tỉnh (từ 50người trở lên)...
Tuy nhiên, bên cạnh những tập thể, cá nhân chủ động ứng phó nhanh với diễn biến mới của dịch Covid-19, thì tâm lý chủ quan, lơ là của nhiều người vẫn rất đáng lo. Một thời gian dài dịch bị đẩy lùi nên tâm lý chủ quan đã thành phổ biến. Nhiều thói quen tốt được hình thành trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội hồi tháng 4 đã bị lãng quên. Bây giờ đi ra đường, tới những nơi công cộng, thậm chí ngay cả những nơi như bệnh viện, nhà ga, nhiều người không còn đeo khẩu trang. Nhiều trang thiết bị phòng dịch vẫn còn dùng được nhưng đã bị xếp xó…
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch này, chúng ta cần thực hiện ngay các biện pháp cấp bách đã được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 chiều 2.8. Các địa phương không được lơ là chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chống dịch. Phải khẩn trương nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Siết lại kỷ cương trong công tác phòng chống dịch.
Lực lượng công an cần quản lý thật chặt người nhập cảnh. Các bệnh viện có biện pháp phòng chống dịch. Tranh thủ từng giờ phút truy vết, xét nghiệm y tế diện rộng những trường hợp về từ Quảng Nam, Đà Nẵng, hướng dẫn người dân chủ động khai báo y tế. Theo Thủ tướng, với những ổ dịch cụ thể thì phải làm kiên quyết trong phạm vi thôn, xóm, còn không phải ổ dịch thì mở cửa hoạt động bình thường - trừ những ổ dịch lớn như ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thủ tướng kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.
Mỗi người phải chủ động khôi phục ngay những thói quen như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dùng nước sát khuẩn tay; giữ khoảng cách trong giao tiếp; khởi động lại việc khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI...
KIM THANH