Xây dựng Đảng - Chính quyền

Khó trẻ hóa cán bộ ở cơ sở

HOÀNG BIÊN 13/09/2023 07:00

Để trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở cơ sở tại Hải Dương cần có nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể và đồng bộ.

00:00

W_z4674041843297_97f9844c8ea05bd999524c9d0aa890ed.jpg
Chế độ tiền lương đối với công chức chưa thực sự đủ thu hút người trẻ có năng lực, phẩm chất tốt làm việc tại cấp xã. Trong ảnh: Công chức phường Hải Tân (TP Hải Dương) làm việc tại bộ phận "một cửa"

Chưa đạt mục tiêu

Đề án số 02-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra nhiều giải pháp để đào tạo, xây dựng cán bộ trẻ. Đối với cấp cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 10% trở lên cấp ủy viên cấp xã có độ tuổi dưới 30; bố trí 10-15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ dưới 30 tuổi tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND.

Thực tế cho thấy việc thực hiện các mục tiêu về cán bộ trẻ còn hạn chế ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Thanh Miện, theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy, toàn huyện có 25 cấp ủy viên cấp xã dưới 40 tuổi, đạt trên 10%. Tuy nhiên trong 25 đồng chí trên chỉ có 1 đồng chí dưới 30 tuổi. Tại thị xã Kinh Môn, hiện nay tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi tham gia cấp ủy của các xã, phường có 57 trong tổng số 296 đồng chí, đạt gần 20%. Cán bộ chủ chốt của các xã, phường dưới 40 tuổi chỉ có 4 trong tổng số 115 người, đạt 4,4%.

Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong toàn tỉnh, số cán bộ dưới 40 tuổi là lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND cấp xã cũng chưa cao. Đến tháng 3/2023, cán bộ dưới 40 tuổi giữ các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã đều dưới 10%, chỉ có chức danh Phó Chủ tịch UBND cấp xã đạt 12,8%. Đến nay, trong toàn tỉnh cũng chưa có xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ dưới 30 tuổi tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND. TP Chí Linh và TP Hải Dương đã quan tâm thực hiện chủ trương này nhưng một số ít cán bộ khi được tăng cường về cũng đã 31 hoặc 32 tuổi.

Đâu là giải pháp?

Thực tế hiện nay cho thấy khi thi tuyển công chức, người được tuyển dụng đã có độ tuổi tương đối cao. Công tác tuyển dụng công chức lại không thường xuyên tổ chức thi tuyển, nhiều sinh viên mới ra trường, làm hợp đồng nhiều năm mới có dịp thi tuyển công chức khiến độ tuổi của công chức khi trúng tuyển không còn trẻ. Trong khi đó, khi vào công chức phải có trong quy hoạch ở các vị trí phù hợp mới được luân chuyển xuống xã, phường làm lãnh đạo nên khó bảo đảm dưới 30 tuổi.

Đối với cán bộ phát triển tại cơ sở, đồng chí Hà Đình Chiến, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Kinh Môn cho biết: “Cán bộ trẻ trưởng thành ở cơ sở cần có thời gian để phấn đấu, rèn luyện, cống hiến mới được xây dựng vào quy hoạch cán bộ, mới có điều kiện để phát triển. Do đó, phải có một thời gian công tác nhất định. Vì vậy, việc xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ và bố trí cán bộ dưới 30 tuổi là Phó Chủ tịch UBND xã, phường rất khó khăn”.

Chế độ tiền lương đối với công chức đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chưa thực sự đủ sức thu hút người trẻ có năng lực, phẩm chất tốt vào làm việc tại các xã, phường. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn công chức cấp xã và cũng là nguồn cán bộ trẻ ở cơ sở khó khăn.

Vừa qua, các huyện Gia Lộc, Bình Giang, Nam Sách, Thanh Miện và TP Hải Dương đã tuyển dụng 78 công chức. Nhưng tất cả các địa phương này đều có số người trúng tuyển ít hơn so với chỉ tiêu cần tuyển. Sinh năm 1990, là một trong số ít Phó Chủ tịch UBND cấp xã trẻ nhất tỉnh, anh Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: “Hiện tôi được hưởng phụ cấp chức vụ 0,2. Vì thời gian công tác chưa lâu năm nên tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của tôi ít hơn một số công chức làm lâu năm”.

W_img_1313.jpg
Sinh năm 1990, anh Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình là một trong số ít Phó Chủ tịch UBND cấp xã ở Hải Dương có độ tuổi trẻ

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, để xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ ở cơ sở, trong đó có việc bố trí cán bộ dưới 30 tuổi làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã, thời gian tới tỉnh Hải Dương nên xem xét bổ sung 1 chức danh Phó Chủ tịch UBND đối với các xã, phường loại II theo quy định của Trung ương (hiện các xã, phường loại II ở Hải Dương chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND) để tạo thuận lợi cho công tác bố trí cán bộ trẻ. Cùng với quan tâm, có thêm chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên mới ra trường, cán bộ trẻ có năng lực về xã, phường công tác thì tỉnh và các địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức cho thi tuyển công chức hằng năm đối với những đơn vị có nhu cầu...

Thực tế cho thấy giải pháp quan trọng nhất là các địa phương cần thực sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ khi thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Có chính sách khuyến khích, mạnh dạn bố trí, giao việc cho cán bộ trẻ để họ được rèn luyện, trưởng thành.

HOÀNG BIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó trẻ hóa cán bộ ở cơ sở