Quỹ hỗ trợ nông dân đã và đang tiếp sức cho các hội viên xây dựng những mô hình sản xuất mới, góp phần phát triển kinh tế.
Vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân được giải ngân tới tận tay nông dân
Gắn kết
Phương châm "cùng hợp lực để phát huy hiệu quả kinh tế", các cấp hội nông dân Hải Dương đã trích Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ. Các thành viên cùng tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng đã xây dựng thêm được 4 tổ liên kết chăn nuôi, thu hút 83 hộ tham gia. "Nhờ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm 5 tổ hợp tác: Trồng dưa hấu (xã Ngọc Liên), nuôi cá ở các xã Cẩm Văn và Cao An; trồng rau củ ở xã Đức Chính và bí ngô, bí xanh ở xã Cẩm Hưng", bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng cho biết.
Ba thôn Địch Tràng, Yển Vũ, Xuân Kiều ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đều tự xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân của chi hội trên 100 triệu đồng, tạo cơ sở để thành lập tổ liên kết sản xuất. Cả 3 tổ hiện có 286 thành viên, canh tác gần 300 ha, chủ yếu là trồng cà rốt sạch xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... "Dù ảnh hưởng Covid-19, nhưng nhờ kết nối tốt nên toàn bộ cà rốt vụ vừa qua đã được thu mua nhanh gọn. Được mùa, được giá nên mỗi ha cà rốt cho thu trên 100 triệu đồng", ông Vũ Văn Quang, thành viên tổ hợp tác Xuân Kiều cho biết.
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh vừa cho 14 hộ trồng măng Bát độ gặp khó khăn ở xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh) vay 420 triệu đồng. "Nhờ nguồn vốn này mà khó khăn về phân bón, cây giống... của các hộ ở đây đã được giải quyết kịp thời. Diện tích trồng măng vụ này sẽ mở rộng thêm 4ha", ông Phùng Gia Vương, Chủ tịch HND xã cho biết.
Hơn 1 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thu hồi hơn 35 tỷ đồng vốn đến hạn của hơn 2.000 hộ vay, đồng thời giải ngân gần 38 tỷ đồng cho 1.855 hộ vay. Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do các cấp Hội Nông dân trong tỉnh quản lý đến nay đạt gần 80 tỷ đồng, với 3.567 hộ vay. Trong đó quỹ của Trung ương hội ủy thác 16 tỷ đồng cho 454 hộ vay ở 28 dự án; quỹ của tỉnh cho 1.366 hộ ở 90 dự án nhóm hộ vay hơn 36 tỷ đồng; quỹ cấp huyện cho 531 hộ vay gần 11 tỷ đồng và 229 hội cơ sở cho 1.286 hộ vay hơn 17 tỷ đồng.
Nhiều mô hình liên kết nông dân đang phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như mô hình trồng ổi VietGAP ở xã Liên Mạc, Thanh Xuân (Thanh Hà), trồng cam ở Chi Lăng Nam, nuôi thủy sản ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện), Thất Hùng (thị xã Kinh Môn), trồng rau, củ, quả an toàn Đoàn Thượng, Phạm Trấn (Gia Lộc), Nhân Huệ (TP Chí Linh), rươi, cáy An Thanh, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ)...
Mô hình trồng hoa cúc giống ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) phát triển nhờ Quỹ hỗ trợ nông dân
Tăng trưởng
Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đều được Hội Nông dân các cấp sử dụng và quản lý tốt. Số tiền trích từ quỹ được hỗ trợ đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. "Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp liên tục tăng do được quản lý, sử dụng chặt chẽ, nợ quá hạn phát sinh luôn không quá 0,1% tổng vốn. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần phát huy hiệu quả phong trào của Hội Nông dân các cấp", ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch HND tỉnh nói.
Ra đời từ năm 2004. Quỹ hỗ trợ nông dân xã Đức Chính luôn tăng trưởng ổn định. Từ 10 triệu đồng vay của UBND xã và HTX dịch vụ nông nghiệp, cùng đóng góp của hội viên, từ 2.000-5.000 đồng mỗi kỳ đại hội nay đã phát triển thành Quỹ hỗ trợ nông dân xã, quỹ phúc lợi cho hội viên và 7 Quỹ hỗ trợ nông dân chi hội, với tổng vốn trên 1,1 tỷ đồng.
Từng thành viên trong Hội Nông dân xã, chi hội đều bám sát cơ sở, hiểu rõ hoàn cảnh, cách làm ăn của từng hội viên nên tạo điều kiện để hội viên thực hiện các thủ tục vay vốn. Vốn được giao chính xác cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. "Đó là nguyên nhân tăng trưởng ổn định của các quỹ trong xã", ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chính cho biết.
Các ông Trần Quy, Trần Đình ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) là những hộ nông dân đầu tiên tham gia Câu lạc bộ nuôi thủy sản. Nhờ được sự giúp đỡ của Quỹ hỗ trợ nông dân mà các ông đã xây dựng được những mô hình sản xuất lớn, có thu nhập ổn định, từ đó quay lại đóng góp tiền vào Quỹ hỗ trợ nông dân. "Góp sức vào phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân là trách nhiệm hội viên. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống, vật tư cho những nông dân mạnh dạn vượt khó", ông Trần Đình chia sẻ.
"Để tiếp sức hiệu quả cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường vận động thêm nguồn cho Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp. Nguôn vốn của quý bảo đảm được quản lý chặt chẽ, dùng đúng mục đích, hiệu quả. Các mô hình tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất sẽ hoàn thiện và nâng tầm hoạt động, nhất là kết nối tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm", ông Nguyễn Ngọc Tuyến khẳng định.
Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh hiện có hơn 81 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách chiếm gần 57,9%, vốn ủng hộ chiếm gần 24%, vốn tự bổ sung chiếm hơn 18%. Quỹ hỗ trợ nông dân 3 cấp tỉnh, huyện và xã đạt gần 65 tỷ đồng, tăng gần 6 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Một số Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện đã vượt 1 tỷ đồng như TP Chí Linh, Bình Giang, Nam Sách... |
THÀNH LONG