7 tập thơ "Hương lúa" là một sản phẩm tinh thần đáng đọc, không chỉ đối với các cán bộ hưu trí ngành nông nghiệp, mà cả đối với những người quan tâm đến nông nghiệp.
Gần chục năm trước, tôi là phóng viên theo dõi ngành nông nghiệp của Báo Hải Dương. Tôi thường xuyên học hỏi kiến thức chuyên môn từ một số cán bộ hưu trí ngành nông nghiệp giàu kinh nghiệm, nhất là ông Đặng Văn Trình - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), Trưởng Ban Liên lạc Hội Hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương. Do tình cảm gắn bó lâu năm nên mỗi lần xuất bản tập thơ mới của Hội Hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương, ông Trình đều tặng tôi sách. Gần đây, tôi được tặng tập thơ "Hương lúa" (tập 7) do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành tháng 1 vừa qua.
Nhìn bìa sách là ảnh cánh đồng lúa chín vàng trải dài xa tít, những ai đã từng chân lấm, tay bùn như hồi tưởng về lại tuổi thơ thân thuộc với cánh đồng quê, con đường làng... Sách gồm 230 trang, in giấy đẹp, trong đó phần đầu có hơn 150 bài thơ do 16 hội viên và những người quan tâm đến nông nghiệp sáng tác; phần 2 là hơn 90 bức ảnh về lĩnh vực thủy sản của Hải Dương.
Ở nhiều bài thơ, tình cảm của những con người từng gắn bó với ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng hiện ra thật sâu đậm. Đọc những bài này, bạn đọc không chỉ cảm nhận được tấm lòng, nỗi niềm của các tác giả mà còn thấy cả những kinh nghiệm, lời khuyên bổ ích trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Trong bài "Con đường tất yếu", tác giả Hoàng Minh Ngọc cho rằng con đường phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả là phải làm nông nghiệp sạch: "Con đường nông nghiệp của ta/Làm nông nghiệp sạch tạo đà đi lên", rồi cần đổi mới tư duy, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Bài "Tâm sự nghề", tác giả Tăng Đức Kháng dặn dò kinh nghiệm nuôi thủy sản: "Ao nuôi phải đủ độ sâu/Rộng ao, bùn ít, bờ cao, nước gần". Có những người nuôi cá chuyên nghiệp: "Chỉ nhìn ao cá xanh thơ mộng/Mà biết cá no đói thế nào" (bài "Tài người nuôi cá", tác giả Lê Hữu Giang). Không giấu nổi niềm tự hào về nghề nông và người nông dân, tác giả Trần Văn Vận ví von: "Nông dân chủ lực quân xung trận/Nông nghiệp hàng đầu, điểm sáng hay" (bài "Nông dân quân chủ lực").
Ngoài mảng thơ về ngành nghề, các tác giả còn nói lên tình cảm thiết tha với gia đình, quê hương, đất nước. Người đọc ám ảnh trước những câu thơ nói về nỗi thương cảm xót xa của người con trước nỗi đau khôn tả của người mẹ có chồng hy sinh ở chiến trường: "Mẹ ôm di vật chiến trường/Còn hơi thuốc súng còn vương máu đào/Xót thay gối cưới năm nào/Mảnh bom xé rách còn đau đến giờ" (bài "Mẹ phơi gối cưới ngày xưa", tác giả Phùng Văn Đủ).
Dù đã về hưu song các tác giả vẫn thao thức, đau đáu trước bao chuyện thế sự. Họ chua xót trước những điều chướng tai, gai mắt và phấn khởi khi cái xấu, cái ác bị trừng trị. Tác giả Lê Hữu Giang như thúc giục: "Lũ giặc nội xâm trừ diệt hết/ Củi tươi gốc rễ bỏ lò thôi" (bài "Diệt tham nhũng"), hay "Mọt dân hốt bạc mau rời bỏ/Sâu nước vơ tiền hãy nộp kho" (bài "Ngọn lửa hồ lô"). Xót xa trước thiên tai ở miền Trung, tác giả Đặng Văn Trình nhìn rõ nguyên nhân sâu xa: "Phá rừng thủy điện tràn lan/Mưa to là lũ kêu van mặc người" và sự mong mỏi "Thương dân xin nhớ lời thề.../Tập trung quyết liệt mọi bề yên vui" (bài "Lũ - hạn miền Trung").
Đến nay, tôi đã có đủ 7 tập thơ "Hương lúa" và 1 cuốn kỷ yếu 20 năm của Hội Hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương. Thú thực, đầu năm 2012, khi lần đầu tiên ông Trình tặng tôi tập thơ "Hương lúa" (tập 1) và sự kỳ vọng của ông là Hội Hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương sẽ cố gắng mỗi năm ra 1 tập thơ, trong đó có lồng ghép với các bộ ảnh về các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, tôi hơi e ngại và nghi ngờ. Bởi, ông Trình và nhiều cán bộ hưu trí khác đều đã tuổi cao, muốn làm những việc ấy không đơn giản, rất cần sự kiên trì, tâm huyết và nhiều yếu tố khác nữa. Thế nhưng, đến nay những nghi ngờ đó của tôi không còn, mà thay vào đó là sự cảm phục.
Đọc 7 tập thơ và 1 tập kỷ yếu, gồm có hơn 900 bài thơ của 26 tác giả và trên 800bức ảnh về các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, tôi nghĩ đây là một "gia tài" đáng nể của hội. "Hương lúa" thực sự là tiếng lòng của những người cán bộ từng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, gắn bó với đồng ruộng, chuồng trại, ao cá... Các bài thơ đã nói lên nỗi niềm của họ với nghề, với bao chuyện của đời sống, với người thân, quê hương, đất nước. Đọc những bài thơ ấy, ta thấy hình ảnh những cán bộ nông nghiệp gắn bó với cơ sở, tận tâm với công việc để cho quê hương Hải Dương "thóc không thiếu một cân" góp phần đánh Mỹ và xây dựng đất nước. Đó còn là sự trăn trở để làm sao nông dân hôm nay được giàu có, để sản xuất nông nghiệp phát triển trước bao thách thức như thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh.
Ngoài các bài thơ, phần ảnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng rất có giá trị. Qua đây, ta có thể thấy những hoạt động quan trọng của các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy lợi. Các tác giả đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm, chọn lọc những bức ảnh tốt. Việc sắp xếp ảnh có tính chuyên nghiệp, vừa có những bức ảnh thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp với nông nghiệp tỉnh nhà, vừa có những bức ảnh về những nông sản nổi tiếng của Hải Dương. Không chỉ có những bức ảnh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm 60, 70 thế kỷ trước, mà còn có những bức ảnh đang thời sự hiện nay. Các chú thích ảnh có nhiều thông tin hữu ích. Nếu là người không làm việc trong ngành nông nghiệp thì chỉ cần xem những bức ảnh này cũng có thể hình dung sơ bộ về sản xuất nông nghiệp Hải Dương.
7 tập thơ "Hương lúa" là một sản phẩm tinh thần đáng đọc, không chỉ đối với các cán bộ hưu trí ngành nông nghiệp, mà cả đối với những người quan tâm đến nông nghiệp.
NINH TUÂN