Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”

25/04/2019 16:15

Sáng 25.4, tại tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7.51954 – 7.5.2019)".


Quang cảnh hội thảo

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tạc vào lịch sử dân tộc bản hùng ca bất tử cùng những tấm gương anh dũng, sáng ngời; khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thừa nhận nền độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương; làm sụp đổ từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. 

Hội thảo lần này là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, khát vọng yêu chuộng hòa bình; đồng thời đúc rút ra những kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo gồm ba phần: “Những vấn đề chung”, “Điện Biên Phủ - Hội tụ sức mạnh Việt Nam”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, với trên 80 tham luận được nghiên cứu, chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, bám sát chủ đề, nội dung Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung khẳng định, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn một số nội dung như: Bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong thơi điểm Đông Xuân 1953-1954; sự hình thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; khả năng ứng phó của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ trước đòn tiến công chiến lược của ta. Đồng thời, khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến…

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu cũng tập trung làm rõ vị trí, vai trò sự phối hợp của các chiến trường trong cả nước với Điện Biên Phủ, của các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung; đặc biệt là vai trò, đóng góp của hậu phương, căn cứ địa cách mạng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vai trò của nhân tố chính trị, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. 

Là sự kiện đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đại tá, Tiến sĩ Phạm Đình Bách (Học viện Quốc phòng) cho rằng, điều này được thể hiện trên cả 3 lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Theo đó, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã rất nhạy bén, sớm phát hiện, đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững, phát huy quyền chủ động chiến lược của ta. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công, xác định đúng phương châm chiến dịch, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch.

Trải qua hơn 6 thập kỷ nhưng tính thời sự, tầm ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn, bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị lịch sử của chiến thắng này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, quyết tâm nâng cao giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa lên một tầm cao mới.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh, những bài học kinh nghiệm từ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cần được phát huy giá trị, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh mới, thời đại mới. Kết quả của Hội thảo đã góp phần làm sâu sắc những vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”