Tin tức

Treo cờ rủ thế nào cho đúng?

PV 21/07/2024 15:15

Theo quy định, trong 2 ngày diễn ra Lễ Quốc tang, các cơ quan công sở phải treo cờ rủ. Cần lưu ý cách treo cờ rủ đúng quy định.

baohai_1.jpg
Báo Hải Dương treo cờ rủ từ sáng 20/7 để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang

Theo quy định tại điều 10 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, trong thời gian 2 ngày diễn ra Lễ Quốc tang, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang và không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Theo đó, cách treo cờ rủ như sau:

- Treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay.

- Băng vải đen có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ

- Cờ rủ phải treo ở nơi trang trọng, bảo đảm mỹ quan

- Cột dùng để treo cờ phải là cột cờ độc lập, không treo cờ lên các cột khác như cột điện, cột ăng ten…

- Cờ treo lên không được bạc màu, hoen ố.

Ngoài ra, khi cắm cờ trong nhà, cán cờ được tùy chỉnh dài ngắn tùy theo không gian, nhưng không được để cờ chạm đất.

Ý nghĩa của việc treo cờ rủ

Treo cờ rủ trong tiếng Anh được gọi là half-mast hay half-staff, là một tục lệ có từ thế kỷ XVII, dùng để chỉ lá cờ bay phía dưới đỉnh cột buồm của tàu, cột cờ đất liền hoặc cột cờ trên tòa nhà. Ở nhiều quốc gia, đây được coi là biểu tượng của sự tôn trọng, thương tiếc, đau buồn.

Theo đó, khi treo cờ rủ, người ta thường kéo cao cờ lên rồi hạ xuống, chừa ra một khoảng trống bên trên lá cờ.

Tại Việt Nam, lá cờ rủ được treo trong dịp Lễ Quốc tang hoặc khi đất nước gặp đại nạn để bày tỏ lòng tôn trọng, thương tiếc của quốc gia đối với những người đã từ trần.

PV
(0) Bình luận
Treo cờ rủ thế nào cho đúng?