Bán đảo Triều Tiên luôn là một điểm nóng về địa chính trị thế giới.
Tuy nhiên, rất hiếm khi nếu không muốn nói là chưa bao giờ, thế giới được thấy mối quan hệ hai miền ấm lên một cách nhanh chóng như trong thời gian qua.
Thế cờ ba bên
Trong cuộc họp báo của một số quan chức Hàn Quốc, những người vừa tham dự hai cuộc họp tại Bình Nhưỡng trở về hồi đầu tuần, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra 2 lời đề nghị:hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và hội đàm “chân thành” với Mỹ. Đồng thời, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ ngừng tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân trong suốt quá trình triển khai đối thoại.
Điều đáng chú ý nhất đó là Bình Nhưỡng đã “mở cửa” cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc đồng thời là Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia Chung Eui-jong trong cuộc họp báo cho biết: “Phía Triều Tiên đã khẳng định rõ ràng về cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và (Triều Tiên) cho rằng không có lý do gì để sở hữu những vũ khí hạt nhân khi sự an toàn của Bình Nhưỡng được bảo đảm và những mối đe dọa quân sự chống lại Triều Tiên không còn nữa”.
Thiện chí đối thoại phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết mà chính quyền Mỹ đưa ravà đã được Triều Tiên đáp lại. Song, về phần mình, người đứng đầu Nhà Trắng lại đang tỏ ra dè dặt. Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, một nỗ lực ngoại giao đáng kể đã được tạo ra từ các bên liên quan, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump cho rằng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng, đồng thời khẳng định Washington “đều sẵn sàng”cho bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra.
Trong bối cảnh hoài nghi những nỗ lực ngoại giao thời gian qua, câu hỏi đặt ra là động cơ thực sự của những nhượng bộ ngoại giao của Bình Nhưỡng là gì? Câu trả lời có thể là từ sức ép mà Washington đã tạo ra trong thời gian ngắn vừa qua. Thậm chí, những dấu hiệu gần đây cho thấy chính quyền Donald Trump hoàn toàn không hề chỉ “đe dọa bằng lời” mà còn có thể “tấn công phủ đầu” nhằm vào Bình Nhưỡng nếu cần thiết.
Theo ông Andrei Lankov, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Kookmin, Seoul, Nhà Trắng đã có những bước đi khôn ngoan. Lý do khiến cho Bình Nhưỡng chịu nhượng bộ chính là vì lo ngại Washington. Ông Andrei cho rằng cả hai miền Triều Tiên đều đang đứng chung trên một con thuyền và đều tỏ ra e dè chính quyền Mỹ. Vị chuyên gia người Nga này nhận định: “Sức mạnh của Tổng thống Donald Trump có thể từ kinh tế, không ai biết rõ là đúng hay sai, nhưng cả hai miền Triều Tiên đều nghĩ như vậy”.
Áp lực về ngoại giao và kinh tế có thể sẽ dẫn đến một chuỗi những sự việc nối tiếp. Ông Go Myung-hyun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), nhận định rằng: “Triều Tiên rõ ràng đang phải hứng chịu sức ép từ chính quyền Mỹ, và buộc phải làm gì đó để chống đỡ lại sức ép này. Và họ (Triều Tiên) đã tìm đến Hàn Quốc”. Theo ông Go, cả hai miền bán đảo đều không muốn để Washington giữ vai trò chủ động, cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao.
Ngoài ra, sức ép không chỉ đến từ Washington, mà còn từ chính cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh “những nhà hảo tâm” của Bình Nhưỡng đang tỏ ra mất kiên nhẫn. Theo Viện phó Viện Nghiên cứu chính sách Asan, ông Choi Kang, Triều Tiên bắt đầu cảm nhận được “nỗi đau” từ những lệnh trừng phạt kinh tế, đồng thời, các mối quan hệ ngoại giao của quốc gia này đang rơi vào bế tắc. Thậm chí “mối quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc có thể chạm đáy”.
Triển vọng cho đối thoại
Có thể nhận thấy rằng nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thực hiện. Và cuối cùng, cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã xác nhận đối thoại. Songđiều này không có nghĩa là hai miền Triều Tiên có thể “nắm hòa bình trong lòng bàn tay”. Thậm chí, nếu đối thoại Mỹ-Triều thất bại, hai bên có thể đổ lỗi cho các quốc gia liên quan. Điều này dẫn tới một kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra: Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa, kéo theo đó là nguy cơ tấn công quân sự phủ đầu từ Washington.
Đối thoại Mỹ-Triều và triển vọng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Theo giới chuyên gia, Nhà Trắng dường như sẽ có những bước đi chính trị cần thiết trước thời điểm tổ chức đối thoại Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây. Một là để kiểm chứng “mức độ chân thành” của Bình Nhưỡng, hai là nhằm duy trì ảnh hưởng trên bán đảo liên Triều.
Đầu tiên, Washington cần bảo đảm rằng đồng minh tại khu vựclà Hàn Quốc và Nhật Bản hiểu rõ những “giới hạn đỏ chung”. Điều này nhằm bảo đảmcả 3 bên đều “cùng quan điểm” nhằm hướng tới thành công trên bàn đàm phán.
Thứ hai, Washington sẽ tìm mọi cách để đối thoại Mỹ-Triều chỉ có thể diễn ra tại Hàn Quốc, sự lựa chọn tốt nhất là tại khu vực phi quân sự DMZ (Bàn Môn Điếm). Có thể nhận ra một điềurằng Chủ tịch Kim Jong-un dường như mong muốn cuộc đối thoại này diễn ra trên lãnh thổ Triều Tiên, nơi ông Kim có nhiều lợi thế hơn trên bàn đàm phán so với Tổng thống Mỹ.Nếu Bình Nhưỡng đưa ra yêu cầu này, Washington có thể sẽ từ chối đối thoại.
Thứ ba, Nhà Trắng sẽ tìm cách giải thích cho Bình Nhưỡng hiểu rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn không thể trì hoãn thêm, đặc biệt là cuộc tập trận mang tên Đại bàng non (Foal Eagles), dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng này. Tất cả các quốc gia và đồng minh của họ hoàn toàn có quyền huấn luyện binh lính của mình, cũng giống như điều mà Triều Tiên đã làm trong suốt mùa đông. Và nếu Bình Nhưỡng yêu cầu hủy bỏ các cuộc tập trận này, Nhà Trắng sẽ có thêm một lý do để từ chối đối thoại.
Thứ tư, để khởi đầu tiến trình đối thoại, chính quyền Donald Trump sẽ yêu cầu Bình Nhưỡng đưa ra lộ trình sơ bộ ban đầu, nhằm hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Nếu Triều Tiên từ chối đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào của tiến trình loại bỏ vũ khí hạt nhân, dù là nhỏ nhất, Nhà Trắng sẽ cho rằng sự chân thành của Bình Nhưỡng là “trò đùa”, và đương nhiên Tổng thống Donald Trump sẽ hủy bỏ đàm phán.
Điều quan trọng nhất, đó là chiến dịch “tối đa hóa sức ép” của Washington, lý do chính mà giới quan sát cho rằng đã khiến Bình Nhưỡng đề xuất đối thoại, sẽ không được đưa vào nội dung đàm phán. Điều đó có nghĩa là các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên phải được giữ nguyên. Theo quan điểm của Nhà Trắng, sự nhượng bộ “chân thành” của Bình Nhưỡng không được đi kèm với bất kỳ yêu cầu nào về mặt kinh tế. Và nếu có, đối thoại Mỹ-Triều sẽ ngay lập tức bị hủy bỏ. Ngoài ra, nếu Washington duy trì sức ép cứng rắn lên Bình Nhưỡng, chính quyền Donald Trump có thể sẽ sớm tìm ra câu trả lời liệu rằng Mỹ-Triều đang “thực sự làm nên lịch sử” hay thực ra chỉ đang hướng tới xung đột.
Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng về một triển vọng hòa bình sẽ được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Yonhap dẫn lời Tổng thống Moon Jae-in cho biết: “Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào khoảng cuối tháng 4 tới đâyvà Tổng thống Mỹ cũng đã cam kết sẽ gặp Chủ tịch Triểu Tiên Kim Jong-un vào tháng 5. Tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang trở thành hiện thực”.
Trong thế chân vạc này, cả Seoul và Bình Nhưỡng đều cùng muốn giành vị thế chủ động, hoàn toàn không để cơ hội rơi vào tay Washington. Songcòn quá khó để có thể đưa ra nhận định. Kịch bản nào sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên thời gian tới vẫn sẽ là câu hỏi chưa có lời đáp.
HÀ KIÊN (lược dịch và tổng hợp)