Con muốn gì được nấy, đòi hỏi cái gì cũng được ông bà, cha mẹ chấp thuận một cách dễ dàng, vô điều kiện...
Cùng con tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm sẽ giúp bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn
Cha mẹ sợ... con
Mặc dù mới lên 5 tuổi, nhưng bé N.G.B. (tên ở nhà là Bon) con chị Hoàng Thị Quyên ở phố Xuân Đài (TP Hải Dương) đã có “khả năng” dọa nạt ông bà, bố mẹ. Mọi việc liên quan đến cậu bé như ăn, chơi đều phải theo ý của bé, nếu không bé sẽ ăn vạ hoặc ném đồ đạc để phản ứng. Trong cách nói chuyện với mọi người trong nhà, cu Bon cũng đã biết thể hiện thái độ khó chịu với mọi người. Bon trả lời trống không tất cả các câu hỏi của người lớn, thậm chí nhiều câu hỏi của người lớn bé không thèm trả lời. Bon luôn đòi hỏi bố mẹ phải mua thêm đồ chơi mới dù đã có rất nhiều, nếu không được đáp ứng cậu sẽ gào khóc ầm ĩ, rồi bỏ ăn khiến cho bà và mẹ sợ hãi phải chiều theo.
Do quen được nuông chiều theo ý mình nên khi đi lớp bé Bon vẫn mang tính cách đó. Vì luôn tranh giành đồ chơi của các bạn, nếu không được đúng ý bé thường đánh bạn nên không có mấy bạn ở lớp muốn chơi cùng Bon. Không ít lần cô giáo phản ánh Bon rất hay đánh các bạn cùng lớp nhưng chị Quyên cũng chỉ biết cười trừ. Một lần đến chơi nhà chị Quyên, tôi đã chứng kiến cảnh Bon lăn đùng ra giữa nhà, khóc lóc rất thảm thiết, không nghe bất kỳ lời giải thích nào của mẹ chỉ vì chị Quyên quên không mua xúc xích nướng, món ăn bé yêu thích. Ông bà vào dỗ dành, nâng dậy thì Bon dùng tay đánh lại và vẫn tiếp tục la ó. Để chấm dứt tình trạng ăn vạ này của con, chị Quyên phải chạy vội ra mua cho con 3 chiếc xúc xích để "đền" cho cậu con cưng. “Cả nhà có mỗi đứa con nên bao nhiêu thứ đều dành cho cháu hết, chỉ mong con được đủ đầy, không thua kém bạn bè. Vì thế, con thích gì tôi luôn cố gắng đáp ứng để con được vui vẻ”, chị Quyên chia sẻ. Yêu con không có gì sai, nhưng cách thể hiện tình yêu đó của gia đình chị Quyên không hợp lý.
Lấy chồng gần 4 năm, chị Đỗ Thị Cúc ở phố Lê Viết Hưng (TP Hải Dương) mới sinh được cô con gái nên vợ chồng chị luôn tâm niệm cố gắng dành mọi thứ tốt nhất cho con. Hoàn cảnh gia đình cũng chỉ ở mức bình thường nhưng cháu B.T.Tr., con gái chị Cúc năm nay học lớp 12 không thiếu bất kỳ thứ gì, chỉ cần Tr. thích. Mặc dù trường ở gần nhà nhưng Tr. yêu cầu bố mẹ phải sắm cho xe đạp điện, điện thoại cũng phải dòng iPhone, chưa kể tiền tiêu vặt luôn luôn phải có đủ. Để có chiếc xe đạp điện, Tr. chỉ mất có 2 ngày. Khi bố mẹ chưa đồng ý, Tr. đã tìm cách tự nhốt mình trong phòng, không chịu ăn uống, rồi còn bỏ nhà đi cả ngày không liên lạc được. Vì lo lắng cho con nên cuối cùng bố mẹ Tr. phải đi vay tiền để mua chiếc xe đạp điện mới toanh. “Nhìn thấy con vui vẻ khi có được chiếc xe đạp điện thì bao khó nhọc mình lại quên hết. Chỉ có một mụn con không chiều nó thì chiều ai hả cô? Dù khó khăn cũng cố cho con được bằng bạn bằng bè cho nó đỡ tủi thân...”, chị Cúc nói.
Đâu là giới hạn?
Theo một số chuyên gia tâm lý, khi được đáp ứng mọi yêu cầu chưa hẳn là đứa trẻ đã hạnh phúc. Việc con được bao bọc, được sống trong sự đủ đầy không biết tới những khó khăn sẽ khiến trẻ mất đi khả năng tự lập, trong khi cuộc sống có nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Được ông bà, bố mẹ nuông chiều, trẻ con sẽ luôn nghĩ mọi thứ mình có được là điều đương nhiên mà không biết chia sẻ khó khăn với mọi người trong gia đình, luôn áp đặt mong muốn của mình mà không để ý tới cảm xúc của người khác. Con sẽ không biết đồng cảm với mọi người, khi gặp khó khăn sẽ khó tự vượt qua được.
Theo chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh), gia đình hiện đại thường có xu hướng nuông chiều con cái một cách thái quá. Vì thế dễ sinh ra những đứa trẻ sống ích kỷ, chỉ biết lợi ích của mình mà quên đi những người xung quanh. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy đặt giới hạn với con, việc gì con sẽ được bố mẹ chấp thuận, việc gì không để con tự lựa chọn. Cha mẹ chỉ nên đồng ý với những yêu cầu chính đáng của con, còn những đòi hỏi vô lý thì cần giải thích để con hiểu. Giữa bố mẹ, ông bà cũng phải thống nhất cách dạy dỗ con cháu, tránh tình trạng "kẻ đánh, người xoa" sẽ khó đạt hiệu quả. Điều quan trọng nhất chính là bố mẹ phải luôn gần gũi với con, chia sẻ giúp con hiểu bố mẹ và bố mẹ cũng hiểu con để có tiếng nói chung nhất. Nhiều bố mẹ do bận rộn công việc không dành nhiều thời gian cho con nên thường bù đắp lại bằng vật chất, đáp ứng mọi yêu cầu của con, kể cả những yêu cầu rất vô lý. Điều này không giúp trẻ tốt hơn mà ngược lại dễ khiến trẻ không hiểu được rõ đúng sai, chỉ biết sống hưởng thụ. Vì thế, dù cuộc sống bận rộn đến mấy bố mẹ cũng nên dành thời gian cho con cái, cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm để con có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.
THANH HOA