Gia đình

Hai lần làm cha mẹ

VÂN KHANG 08/12/2024 15:01

Nhiều người cả đời vất vả lo toan nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Khi về già cứ ngỡ được nghỉ ngơi nhưng vì thương con, xót cháu, các ông bà lại giống như làm cha mẹ lần hai.

hai-lan-lam-cha-me-1-(1).jpg
Ở cùng các con, bà N.T.H. ở xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) chăm lo các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ đến học hành

Thương con, xót cháu

Đã 3 năm nay, nhịp sống của bà Đ.T.L. ở thị trấn Nam Sách được lập trình theo thời khóa biểu có sẵn. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, bà thức dậy đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng và đưa đứa cháu nhỏ 3 tuổi đến trường mẫu giáo. Trở về nhà, bà tất tả nấu bữa trưa. Dọn dẹp, nghỉ ngơi một chút rồi lại đến giờ đón cháu và chuẩn bị cơm tối. Chồng bà L. và các con đều đi làm xa nên cuộc sống của bà L. chỉ quanh quẩn đứa cháu nội mới hơn 3 tuổi.

Bà L. cho biết, con trai bà đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, gặp gỡ và kết hôn với một cô gái cùng quê. Cuộc sống lao động xứ người vất vả. Vì vậy, sau khi sinh con chưa đầy 1 tháng, vợ chồng con trai đành đưa cháu về quê và giao phó cho ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhìn đứa cháu còn đỏ hỏn, thiếu vắng hơi ấm của bố mẹ, bà không khỏi xót xa. Trở thành “bố mẹ” lần hai khi đã ở tuổi ngoài 50 nên ông bà khá lúng túng. Con trai và con dâu ở nước ngoài gửi về cho cháu nhiều loại thuốc bổ, vitamin, các loại bỉm, sữa đắt tiền. Chỉ riêng lịch uống vitamin và pha sữa đúng công thức cũng khiến bà gặp không ít khó khăn. Nhiều đêm, ông bà phải thức trắng để thay nhau chăm sóc cháu nhỏ.

“Chồng tôi đi làm ở tỉnh khác nên chỉ cuối tuần mới về với 2 bà cháu. Thế nên cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn bên đứa cháu gái nhỏ. Mặc dù ông bà luôn dành tình yêu thương cho cháu nhưng cũng không thể bằng bố mẹ. Có thể do thiếu hơi ấm của bố mẹ nên cháu ít nói và nhút nhát hơn các bạn cùng lớp”, bà L. chia sẻ.

hai-lan-lam-cha-me-2-00d40ede1222b65b53d27c3d360801e4(1).jpg
Áp lực kinh tế của người trẻ đã khiến nhiều ông bà phải làm "bố mẹ lần hai"

Khác với bà L., bà N.T.H. ở xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) được ở cùng con cháu, song vẫn gánh trách nhiệm của người làm cha mẹ 2 lần. Những ngày con dâu ở cữ, bà dành thời gian chăm sóc con dâu và cháu nội. Khi con dâu phải quay trở lại làm việc, bà lại kiêm luôn việc chăm sóc cháu nhỏ. Vợ chồng con bà H. làm công nhân trong khu công nghiệp, công việc ca kíp vất vả, lúc làm ngày, hôm làm đêm. Thương con ở xa vất vả, xót cháu còn quá nhỏ nên bà đến ở cùng các cháu để tiện chăm sóc. Buổi sáng, bà bận rộn đưa cháu lớn, cháu bé đến trường, cuối giờ chiều lại tất tả đón các cháu.

Bà H. chia sẻ: “Có những hôm bố mẹ các cháu đi làm từ sáng sớm, về nhà lúc tối muộn. Ở cùng nhà nhưng thời gian các cháu gặp bố mẹ chẳng đáng là bao. Cứ thế, mọi công việc chăm sóc các cháu đều do tôi đảm nhận, từ việc ăn uống, tắm giặt cho tới học hành. Nhiều khi buổi tối muốn đi sinh hoạt câu lạc bộ dân vũ cùng các bà, các cô trong xóm nhưng để các cháu ở nhà một mình tôi lại không nỡ”.

Những người ông, người bà phải gánh tránh nhiệm làm cha mẹ đã không còn là cảnh hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Thêm vào đó, tâm lý “mẹ chăm con không bằng bà chăm cháu” đã trở thành quy luật bất thành văn trong các gia đình, nhất là những nhà có 3 thế hệ cùng chung sống. Điều này xuất phát từ tình thương của ông bà đối với con cháu, muốn đỡ đần để các con bớt vất vả. Thế nhưng, gánh nặng làm “bố mẹ" lần hai đã khiến nhiều ông bà không còn thời gian chăm sóc bản thân.

Áp lực lớn

hai-lan-lam-cha-me-3-1-.jpg
Bà N.T.T. phải chăm 2 đứa cháu nhỏ, trong đó có 1 cháu mắc chứng tăng động

Ở độ tuổi vừa nghỉ hưu, bà N.T.T. ở thị trấn Gia Lộc vẫn phải cật lực chăm sóc 2 đứa cháu nhỏ. Lúc trẻ bà đã vất vả làm việc, một mình chăm sóc con cái và vun vén lo cho gia đình nhỏ. Đến tuổi già, nghĩ sẽ có chút thời gian nghỉ ngơi dành cho bản thân nhưng không biết từ lúc nào, bà bị cuốn theo guồng quay trở thành “cha mẹ” một lần nữa, khi những đứa cháu nhỏ lần lượt ra đời và lớn lên. Vất vả hơn khi đứa cháu trai lớn mới 5 tuổi bị mắc chứng tăng động, cháu gái nhỏ chỉ mới 3 tuổi.

“Cháu lớn mắc chứng tăng động giảm chú ý nên rất khó chăm sóc. Bố mẹ các cháu bận lo làm kinh tế, không có thời gian chăm các con. Chỉ có tôi với 2 đứa cháu còn quá nhỏ, nhiều khi không biết phải làm sao để chăm sóc, dạy bảo các cháu. Có những lúc tôi thấy kiệt sức, mệt mỏi, bệnh tuổi già nhưng vẫn phải gắng gượng vì cháu”, bà T. nói.

“Chăm cháu áp lực hơn nhiều so với chăm con”. Đây là nhận định của bà L. khi phải chăm cháu từ những ngày mới lọt lòng mẹ. Khi cháu ốm, sốt, dù chỉ là bệnh thông thường nhưng bà L. vẫn phải gọi điện để thông báo và hỏi ý kiến con dâu ở Nhật Bản. Những lần như thế, bà lại lóc cóc bắt xe cho cháu đi khám. Cháu biếng ăn, chậm tăng cân, ít nói… cũng khiến bà thấy áp lực, áy náy với con trai và con dâu.

Cuộc sống hiện đại, cùng với sự khác biệt về thế hệ, tuổi tác và lối sống… đã tạo ra khoảng cách lớn trong việc nuôi dạy con trẻ. Dù biết việc chăm sóc các cháu không phải là trách nhiệm của ông bà nhưng chị N.T.H.P., con dâu bà L., không còn cách nào khác. Bởi nếu nuôi con ở Nhật Bản thì chị khó có khả năng xin việc, thu nhập của chồng chỉ đủ lo sinh hoạt, trong khi gửi con về Việt Nam sẽ dư giả hơn. “Xa con rất buồn, rất nhớ nhưng vợ chồng tôi cố gắng lao động để lo cho tương lai của con sau này”, chị P. nói.

VÂN KHANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai lần làm cha mẹ