Góc nhìn

Đừng để con "tố" cha mẹ

NGÂN HẠNH 05/09/2024 05:10

Thiếu sự lắng nghe, áp đặt... đang là vấn đề nhiều con trẻ "tố" cha mẹ.

00:00

e2b24f5c-81e6-48fd-8ea6-cde1752e6a3c(1).jpeg
Cha mẹ cần lắng nghe, cho con những khoảng lặng để có thể nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình (ảnh minh hoạ)

Sau một buổi gặp mặt của lớp con gái tôi trước khi bước vào năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã nhắn vào nhóm Zalo của lớp rằng: Các con đang “tố cáo” bố mẹ sau khi cô giáo hỏi học sinh nghĩ gì về sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ với con cái. Nhiều em đều bảo rằng: Bố mẹ mắng mà nói lại thì bảo cãi, mà không nói gì thì bảo mặt cứ trơ ra thế à, kiểu gì chúng em cũng không nói được…

Chắc hẳn không chỉ phụ huynh trong lớp con gái tôi bị con của mình “tố cáo” như vậy mà nhiều người tự giật mình nhận ra, hình như mình đã và đang chưa thực sự lắng nghe con.

Tôi còn nhớ, khi con là trẻ mầm non rồi học lớp 1, lớp 2, lớp 3, con có rất nhiều chuyện sau mỗi giờ tan học kể cho tôi nghe. Nhưng từ năm học lớp 4 trở đi, những câu chuyện của con được kể có chọn lọc hơn. Và lên lớp 8, lớp 9, những câu chuyện trường lớp, bạn bè thưa dần, có khi tôi phải tỉ tê mãi con mới kể một vài chuyện.

Tâm sinh lý của trẻ thay đổi dần theo lứa tuổi. Khi lớn dần lên, suy nghĩ của con chín chắn hơn, nếu bố mẹ không kịp nhận ra điều ấy mà vẫn nghĩ con còn là đứa trẻ chưa biết gì thì sẽ rất khó để thấu hiểu con. Và ngược lại, ở một độ tuổi nào đó, con bắt đầu có những bí mật, có những chuyện riêng tư thì có thể dù bố mẹ luôn muốn lắng nghe nhưng chưa chắc con đã sẵn sàng chia sẻ.

Dạy dỗ, định hướng cho trẻ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Tôi đã từng chứng kiến có những người đi đúng đường do bố mẹ vạch sẵn, nhưng đến một thời điểm chợt nhận ra đó không phải là con đường mình muốn đi và phù hợp với mình. Nhưng lúc ấy dù có trăm nghìn lý lẽ cũng không được bố mẹ chấp nhận, còn cho rằng con chỉ bốc đồng trong chốc lát rồi đâu sẽ vào đấy. Người đủ mạnh mẽ có thể vượt qua được “cái kén” bố mẹ tạo nên để tìm lối đi của mình, nhưng nhiều người không thoát được, suốt đời sống trong sự kỳ vọng của bố mẹ sẽ dễ nảy sinh tâm lý chán ghét, thậm chí là đổ lỗi cho bố mẹ áp đặt.

Có một thực tế, rất nhiều học sinh bước sang năm học cuối cấp 3, chuẩn bị phải chọn lựa trường đại học – nơi quyết định công việc của mình trong tương lai, nhưng vẫn không biết mình thích ngành nghề gì để chọn lựa. Có không ít gia đình, việc chọn trường lại là việc của cha mẹ. Con thích trường này nhưng cha mẹ chọn trường kia vì nó tốt hơn, sau này ra trường dễ xin việc vào chỗ này, chỗ kia hơn theo quan điểm của cha mẹ, thế là con cũng chuyển hướng theo. Thậm chí trường cha mẹ chọn trái hoàn toàn với năng khiếu và ngành nghề con thích...

Việc không được nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình rất dễ tạo nên những đứa trẻ phụ thuộc, thiếu tự tin. “Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình, nên cho con khoảng lặng để con trình bày, tránh những vướng mắc, thậm chí là stress khi không được lên tiếng”, đó là lời khuyên của cô giáo chủ nhiệm lớp con gái tôi dành cho các phụ huynh trong lớp khi mà năm học mới sắp bắt đầu, các con lại trong độ tuổi rất nhaỵ cảm.

Những năm qua, chương trình giáo dục đã chuyển hướng sang mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm, học sinh là chủ thể, được “trao quyền” để nêu ý kiến, trình bày quan điểm của mình nhiều hơn. Những “tiết học” chia sẻ tâm sự, bật mí chuyện riêng tư như ở lớp học của con gái tôi đã không còn hiếm. Các con có thể dễ dàng tâm sự với thầy cô giáo về ước mơ, những dự định của mình. Môi trường học đường đang thay đổi, các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi.

NGÂN HẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để con "tố" cha mẹ