Hầu hết mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ nhưng trên thực tế trong trường phổ thông, tiếng Anh vẫn đã và đang bị đối xử như một môn học phụ.
Trong phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 (4,58 điểm) và mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. Điểm trung bình môn thi tiếng Anh của thí sinh Hải Dương còn thấp hơn điểm trung bình của cả nước với mức 4,499 điểm, đứng thứ 24 cả nước (trong khi điểm trung bình tất cả các môn đứng thứ 18). Như vậy, không những kết quả học tiếng Anh của học sinh tỉnh ta thấp trong xu hướng chung của cả nước mà còn thấp hơn so với kết quả của các môn học khác.
Việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua. Điểm thi môn tiếng Anh của đa số học sinh đạt mức thấp nên khả năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế của các em lại càng yếu kém. Khả năng ngoại ngữ còn lẹt đẹt là một lực cản rất lớn cho xu hướng hội nhập với thế giới, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ. Việc thu hút đầu tư từ nước ngoài sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều nếu nguời lao động từ phổ thông tới có tay nghề, trình độ cao đều biết sử dụng ngoại ngữ. Thực tế cho thấy những nước như Ấn Độ, Philipines, Indonesia là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong những năm qua do có một ưu điểm là nguồn nhân lực thành thạo tiếng Anh đông đảo. Một số nước ở gần chúng ta như Campuchia, Myanmar… thu hút được ngày một đông du khách từ khắp nơi trên thế giới một phần nhờ người dân có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh phổ biến.
Hầu hết mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ nhưng trên thực tế trong trường phổ thông, tiếng Anh vẫn đã và đang bị đối xử như một môn học phụ. Theo các quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đến năm học 2022-2023, tiếng Anh vẫn là môn học tự chọn ở bậc tiểu học. Trong các kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT chỉ có 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn. Thi tốt nghiệp THPT, học sinh phổ thông bắt buộc thi tiếng Anh còn học sinh hệ giáo dục thường xuyên không phải thi môn này.
Chế độ đãi ngộ cho giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học rất kém, nhất là ở vùng nông thôn. Đa số họ chỉ là giáo viên hợp đồng theo năm học với mức lương khiêm tốn, không được hưởng phúc lợi bằng các giáo viên trong biên chế khác. Giáo viên tiếng Anh ở bậc THCS, THPT nằm trong biên chế nhưng ít cơ hội tăng thu nhập. Trong khi đó, những người thành thạo tiếng Anh có thể dễ dàng kiếm được việc làm với thu nhập cao hơn rất nhiều trong các doanh nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng tuyển dụng giáo viên tiếng Anh khó khăn, nhất là những người có năng lực tốt.
Cải thiện trình độ ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh) cho học sinh, người lao động cần được coi là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước nói chung, các địa phương nói riêng. Khi đó cần có những chương trình, chế độ riêng để thực hiện mục tiêu này. Trong hệ thống giáo dục, môn tiếng Anh cần được coi là môn học chính, bắt buộc. Trong kỳ thi chuyển cấp nên đưa tiếng Anh vào làm môn thi cứng. Khuyến khích các trường cao đẳng, đại học xét tuyển các tổ hợp có môn tiếng Anh.
Các địa phương nên có chế độ ưu đãi dành riêng cho giáo viên tiếng Anh để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ. Xây dựng các câu lạc bộ, hội thi, sân chơi… về tiếng Anh để học sinh có nhiều cơ hội trau dồi, sử dụng tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Công tác tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc học và sử dụng ngoại ngữ. Khi cả phụ huynh và học sinh cùng ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ thì những thay đổi từ tầm vĩ mô trong giảng dạy tiếng Anh mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp cải thiện trình độ tiếng Anh cho học sinh - nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
LAM ANH