Người làm công ăn lương đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiền lương giảm đi trong khi lạm phát lại tăng cao, khiến chi phí sinh hoạt tăng lên rất nhiều...
Nhiều người nộp thuế và chuyên gia đã bất ngờ sau khi Tổng cục Thuế công bố thông tin: số thu ngân sách 8 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 85,4% so với chỉ tiêu được giao. Như vậy có thể chỉ trong vòng một hoặc hai tháng nữa, thu ngân sách cả nước sẽ về đích sớm.
Nếu như ở thời điểm đầu năm, khi dịch COVID-19 còn ảnh hưởng khá nặng nề, sẽ khó có ai hình dung nổi thu thuế tăng mạnh như hiện nay, nhưng "kỳ tích" đã xảy ra dù ngành thuế đã áp dụng nhiều chính sách giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp. Trong đó, riêng thuế thu nhập cá nhân ước đạt 98,9%, tăng 27,7% so với cùng kỳ 2021.
Trong giai đoạn vừa qua, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn khi tiền lương giảm đi trong khi lạm phát lại tăng cao, khiến chi phí sinh hoạt tăng lên rất nhiều. Chưa kể pháp luật thuế thu nhập cá nhân có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được như quy định mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu khiến người nộp thuế không được tính đúng tính đủ chi phí.
Vì những lý do đó, Nhà nước nên xem xét, chia sẻ miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong những tháng cuối năm cho người làm công ăn lương. Nhất là trong bối cảnh thu ngân sách năm nay về đích quá sớm, giúp ngành thuế không còn phải "đau đầu" lo nghĩ bị hụt thu như những năm trước.
Trong hai năm chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà thì cũng nên hỗ trợ người làm công ăn lương để công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và cũng là để người làm công ăn lương thấy rằng mình cũng được quan tâm trong lúc khó khăn.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" và việc này cũng ảnh hưởng không nhiều vì số thu thuế thu nhập cá nhân của người làm công ăn lương chiếm không lớn trong tổng thu nộp ngân sách.
Những năm vừa qua, thu thuế thu nhập cá nhân không còn dựa chính vào đối tượng làm công ăn lương nữa mà cơ quan thuế đã khai thác được nhiều nguồn thu mới như thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới cũng như siết kê khai đúng giá thị trường khi chuyển nhượng bất động sản, công tác thu nộp ngày càng chặt chẽ hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất không phải nếu như trong bối cảnh nguồn thu đang "rủng rỉnh" như hiện nay mà ngành thuế vẫn phớt lờ đề xuất hỗ trợ người làm công ăn lương vì bao nhiêu năm qua đối tượng này luôn nộp đúng nộp đủ nhất do chính sách khấu trừ tại nguồn.
Họ cũng là đối tượng chịu thuế suất rất cao, với mức điều tiết lên đến 35% trong khi người kinh doanh nộp thuế 7% và trong hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, người làm công ăn lương vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào.
Hơn lúc nào hết, cơ quan thuế nên tận dụng cơ hội thu ngân sách về đích sớm năm nay để kiến nghị ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người làm công ăn lương. Đó cũng là một cách làm đúng đắn để nuôi dưỡng nguồn thu và để người làm công ăn lương thấy được rằng mình cũng được đối xử công bằng như những đối tượng nộp thuế khác.
Theo Tuổi trẻ