Hậu xuất khẩu lao động

24/02/2019 09:22

Hơn chục năm trở lại đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành trào lưu thu hút khá đông lao động, nhất là lao động nông thôn.

Nhiều người coi đây là con đường nhanh nhất để làm giàu, đổi đời. Quả thực, nhờ XKLĐ, diện mạo nhiều làng quê đã thay da đổi thịt, cuộc sống của nhiều gia đình đã thoát khỏi khốn khó. Tuy nhiên, sau XKLĐ cũng có nhiều hệ lụy mà không phải ai, gia đình nào cũng vượt qua được.

Một trong những hệ lụy dễ gặp nhất là tình trạng rạn nứt hôn nhân sau khi đi XKLĐ. Khi sang xứ người, một thời gian dài vợ chồng "xa mặt cách lòng" dễ dẫn tới tình cảm đôi bên nguội lạnh. Cuộc sống cô đơn ở xứ lạ khiến nhiều người yếu lòng mà tìm đến những chỗ dựa tình cảm mới. Cũng có nhiều trường hợp người ở nhà thay lòng đổi dạ. Trong thời gian người vợ hoặc chồng đi XKLĐ, họ đi tìm niềm vui mới, tìm người khỏa lấp nỗi trống vắng, thỏa mãn nhu cầu sinh lý... Đó là lý do số vụ ly hôn sau khi một trong hai người đi XKLĐ trở về ngày càng cao. 

Một vấn đề nữa thường thấy hậu XKLĐ là tình trạng thất nghiệp, nhanh chóng cụt vốn... Ở khu tôi có một gia đình sau khi người chồng đi XKLĐ từ một nước châu Phi trở về, bao nhiêu vốn liếng tích cóp được họ dồn hết vào xây một ngôi nhà ba tầng rất hoành tráng. Ai cũng mừng cho họ vì trước kia gia cảnh nhà anh chị vốn rất nghèo, phải sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, từ giờ chắc họ được đổi đời rồi. Nhưng không lâu sau đó, vợ chồng họ lại tiếp tục vay mượn để cùng đi XKLĐ.

Khá nhiều người sau khi đi XKLĐ trở về rơi vào tình cảnh ấy. Họ không sử dụng vốn tích cóp được làm ăn, phát triển sản xuất, kinh doanh để nhân vốn lên mà thường dồn vào xây nhà, mua sắm tiện nghi. Vì thế, đi xuất khẩu trở về không bao lâu hết vốn, họ lại tìm cách đi XKLĐ lần nữa. Thế nên khá nhiều ngôi làng trông thì bề thế, khang trang với những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mini nhưng vắng như chùa Bà Đanh vì chủ nhân không thể ở nhà để hưởng thụ mà còn mải nai lưng làm việc nơi xứ người. Ở làng, chỉ còn lại những ông bà già chăm sóc các cháu nhỏ.

Cũng có người không đi XKLĐ ngay mà tìm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh. Tuy nhiên, do đang quen làm việc trong điều kiện khá tốt ở các doanh nghiệp nước ngoài với mức thu nhập gấp mấy lần công việc cùng loại ở Việt Nam, nên không phải người lao động nào cũng thích nghi ngay được. Nhiều lao động đã nảy sinh tâm lý chán chường, từ đó không tập trung làm việc, hiệu suất công việc thấp, ảnh hưởng tới thu nhập.

Để tránh những hệ lụy hậu XKLĐ, mỗi gia đình cần thường xuyên vun vén tình cảm giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái. Hiện nay với sự phát triển của internet, mạng xã hội, rất dễ thực hiện các cuộc gọi video qua Facebook, Zalo, live stream các hoạt động mà không tốn phí. Những người thân khác trong gia đình cũng cần quan tâm vun vén tình cảm cho con, cháu; trở thành những "giám sát viên" kịp thời khuyên bảo, nhắc nhở, động viên nếu thấy có biểu hiện đáng nghi...

Thực tế, một số người sau khi đi XKLĐ trở về đã biết dùng đồng vốn tích lũy được để mở rộng sản xuất, kinh doanh, lập trang trại. Có người áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, tác phong công nghiệp mà mình học hỏi được trong những năm tháng lao động ở nước ngoài vào công việc sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Vì thế, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cần quan tâm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho người lao động sau khi XKLĐ trở về. Khích lệ những người này thuê đất, lập trang trại, liên kết, góp vốn làm ăn... Sau khi XKLĐ trở về, bản thân người lao động cần tận dụng thật tốt vốn và kinh nghiệm để tìm ra phương kế làm ăn lâu dài, ổn định cho mình và gia đình. Với sự phát triển nở rộ của các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, việc dồn điền đổi thửa... cơ hội để tìm kiếm việc làm, làm giàu ở ngay trong tỉnh ngày càng thuận lợi. Bởi thế, mọi người nên cân nhắc kỹ trước khi đi XKLĐ, không nhất thiết phải XKLĐ bằng mọi giá.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu xuất khẩu lao động