Hai mặt của việc giảm tỷ lệ chuyển tuyến

16/08/2019 19:33

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến nhưng việc này tồn tại một số hạn chế.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư nhiều trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến

Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh mặt tích cực, việc giảm tỷ lệ chuyển tuyến còn một số hạn chế.

Muốn giảm tỷ lệ chuyển tuyến, các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng nhằm giữ chân bệnh nhân. Thời gian qua, Trung tâm Y tế TP Chí Linh đã cử bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; hoặc liên kết với các bệnh viện lớn, các chuyên gia để đào tạo lại cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của trung tâm. Từ yêu cầu thực tế, trung tâm mua sắm các máy móc, trang thiết bị đáp ứng hoạt động khám chữa bệnh. Năm 2018, tỷ lệ chuyển tuyến điều trị nội trú của đơn vị là 13,9%, 6 tháng đầu năm nay giảm còn 12,6%.

Cùng việc hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Dự án Norred), Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên liên kết với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K... đào tạo, đào tạo lại đội ngũ bác sĩ. Bệnh viện cũng tổ chức các cuộc họp hội đồng người bệnh, trong đó giới thiệu những kỹ thuật đã và đang triển khai của bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện quan tâm lắng nghe ý kiến của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhất là những vấn đề xung quanh việc chuyển tuyến. Trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị có 2.286 bệnh nhân điều trị nội trú phải chuyển lên tuyến trên, chiếm 8,5% tổng số bệnh nhân nội trú, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Vài năm gần đây, Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh đã làm chủ nhiều kỹ thuật. Bệnh viện chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc như máy Phaco, máy chụp đáy mắt, máy chụp cắt lớp võng mạc 3D. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp thu hút bệnh nhân, phấn đấu giảm tỷ lệ chuyển tuyến điều trị nội trú. Nhờ những biện pháp này, 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện có 326 bệnh nhân chuyển tuyến trên, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2018.

Việc chuyển tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Bệnh nhân mắc những bệnh thông thường sẽ được khám chữa bệnh ở tuyến dưới, còn khi bệnh nặng, vượt quá khả năng đáp ứng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở y tế tuyến dưới phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng trên thực tế, không ít bệnh nhân và người nhà đòi hỏi chuyển ngay tuyến cao hơn trong khi năng lực của các tuyến dưới vẫn giải quyết được. Trường hợp này bệnh nhân sẽ không được hưởng tối đa quyền lợi khi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngoài ra còn có những cơ sở khám chữa bệnh không biết người bệnh bị bệnh gì, không chắc điều trị được hay không nhưng vẫn giữ bệnh nhân ở lại. Khi người bệnh bị nặng hơn, cơ sở y tế ban đầu không có khả năng chữa trị thì mới chuyển tuyến, gây hậu quả xấu. Theo một lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, một số bệnh nhân phản ánh họ gặp nhiều khó khăn khi mong muốn chuyển tuyến điều trị từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Dù tuyến huyện không có chuyên khoa điều trị nhưng lại không cho bệnh nhân chuyển đi. Cuối cùng những trường hợp này phải chuyển theo hình thức tự nguyện, không được hưởng các lợi ích tối đa mà lẽ ra họ được hưởng từ tấm thẻ BHYT. Nguyên nhân nhiều cơ sở y tế không muốn chuyển tuyến cho nhiều bệnh nhân vì đánh giá không đúng mức tình trạng bệnh, khả năng điều trị của cơ sở mình và muốn giữ chân bệnh nhân do liên quan tới nguồn thu.

HUYỀN TRANG

Ngày 26.3.2019, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã có Hướng dẫn liên ngành số 26/HDLN-SYT-BHXH về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong tỉnh. Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh BHYT được chuyển đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trong và ngoài tỉnh, không cần tuân thủ theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm bảo đảm tính mạng cho người bệnh. Trong trường hợp không phải là cấp cứu, việc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14.4.2014 của Bộ Y tế. Theo thông tư này, cơ sở khám chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh hoặc do điều kiện khách quan, cơ sở đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị; căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt, nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn; trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám chữa bệnh tuyến 4).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai mặt của việc giảm tỷ lệ chuyển tuyến