Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về giữ chức vụ chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã về huyện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch số 137-KH/TU thực hiện Kết luận số 38 ngày 13.11.2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về giữ chức vụ chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp xã về huyện.
Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ; giúp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ vì cán bộ luân chuyển được làm việc ở nhiều môi trường khác nhau sẽ có thêm hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, chủ trương này còn nhằm phòng ngừa tình trạng cục bộ, bè cánh, chủ nghĩa bản vị ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị.
Chủ trương đúng song khâu thực hiện không dễ. Không ít cán bộ thuộc diện luân chuyển hoặc cán bộ ở nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển tư tưởng chưa thông suốt. Ngoài những cán bộ hiểu rõ ý nghĩa, tác dụng của công tác này, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao thì cũng còn một số cán bộ vì lợi ích cá nhân mà không muốn thực hiện. Họ cho rằng đang có vị trí tốt, không muốn luân chuyển tới nơi khác. Có người sợ luân chuyển tới nơi khác sẽ bị cô lập. Lại có trường hợp coi luân chuyển là cơ hội để chạy chọt thăng quan tiến chức, muốn được luân chuyển đến vị trí "ngon". Chẳng hạn, lãnh đạo cấp phòng, ban ở huyện thì muốn xuống làm Bí thư cấp ủy, hoặc Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có kinh tế phát triển sôi động, không muốn xuống các xã kinh tế khó khăn hoặc tình hình phức tạp. Cán bộ chủ chốt cấp xã muốn luân chuyển giữ vị trí lãnh đạo ở những phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, không muốn đến một số ban xây dựng Đảng như Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo.
Đó là tâm lý trước khi luân chuyển. Còn thực tế sau khi cán bộ được luân chuyển cũng còn nhiều bất cập. Một số cán bộ luân chuyển từ cấp huyện về cấp xã chưa phát huy được vai trò, làm việc theo phương châm "dĩ hòa vi quý", ít có đóng góp cho địa phương. Họ cốt làm "tròn vai" để khi hết thời gian luân chuyển sẽ tìm kiếm chức vụ tốt ở cấp huyện. Cũng không loại trừ tình trạng cục bộ địa phương khiến các cán bộ được luân chuyển về không dám nghĩ, dám làm; những người có quyết tâm đổi mới thì lại bị cô lập, không phát huy được tác dụng.
Một chủ trương tốt song nếu không có quyết tâm, cách làm phù hợp thì khi thực hiện sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể bị lạm dụng cho những ý đồ xấu. Do đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ lợi ích của chủ trương này. Mỗi cán bộ thuộc diện luân chuyển cần chủ động nêu gương thực hiện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ, không suy bì, tị nạnh. Cơ quan chức năng cần đề ra các tiêu chí luân chuyển phù hợp, rõ ràng và công khai, minh bạch các tiêu chí này. Sau khi luân chuyển đủ thời gian theo quy định, nếu cán bộ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ mà có nguyện vọng trở lại nơi công tác cũ thì cần bố trí chức vụ từ tương đương trở lên cho họ. Một số cán bộ chủ chốt cấp xã lo ngại sau khi đã đủ thời hạn luân chuyển, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, muốn luân chuyển về huyện song do không còn vị trí nên vẫn phải ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, cấp trên cần tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới; các đoàn thể và nhân dân cũng nên quan tâm giám sát công tác này. Những hành vi như vụ lợi trong luân chuyển cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, phe cánh, cố tình không nhận nhiệm vụ... cần bị xử lý nghiêm.
MINH ANH