Mỗi năm, Hải Dương có hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Một số thị trường nước ngoài thu hút nhiều lao động Hải Dương như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...
Người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động cần có ý thức đúng đắn, tránh làm những việc ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Trong ảnh: Người lao động đăng ký thi tiếng Hàn để đi làm việc theo chương trình EPS của Hàn Quốc
Cờ bạc bủa vây
Nhiều người đi XKLĐ cho biết càng những thị trường nào nhiều lao động Việt Nam làm việc thì tệ nạn càng dễ phát triển. Bởi ở nơi xứ người, do bất đồng về ngôn ngữ, lối sống nên người Việt Nam thường tìm đến nhau để "giải khuây".
Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường có nhiều lao động Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Bởi vậy, nhiều người từng đi làm việc ở Đài Loan cho biết nơi đây đã trở thành mảnh đất màu mỡ để chính những người Việt Nam sát phạt nhau bằng tệ cờ bạc. Anh Phạm Văn Diến ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) vừa trở về từ Đài Loan được ít ngày cho biết các tệ nạn trên công khai ở cả phòng trọ và trong các xưởng sản xuất. Ví dụ như một xưởng sản xuất có khoảng 100 công nhân người Việt thì ít nhất cũng có 3 người đứng lên cầm bảng cái ghi lô đề. Ai muốn đánh con gì chỉ việc báo người cầm cái. Không có tiền thì được ghi nợ. Tương tự, trong các phòng trọ, do không phải chịu sự quản lý của bất kỳ ai nên anh em công nhân luôn thoải mái đánh bài bạc, xóc đĩa. "Trong lúc đánh bài chỉ việc xuống tiền bằng lời nói nên khi tan cuộc có người đã nợ đến hơn 100 triệu đồng. Người này phải đưa thẻ lương cho chủ nợ cầm. Thấy số tiền lớn quá, anh này xót của nên đành bỏ trốn khỏi công ty, lang thang ra ngoài tìm việc khác", anh Diến cho biết.
Năm nay, khi trở về từ Angola, chị Nguyễn Thị H. ở xã Đồng Lạc (Chí Linh) rất buồn phiền. Ở Angola cũng có khá nhiều người Việt làm việc nên tệ cờ bạc phát triển. Chồng chị H. cũng không thoát khỏi cám dỗ ấy. Ban ngày thì cặm cụi làm việc nhưng đêm đến chồng chị H. lại mò mẫm đi bài bạc. Bởi vậy nên hai vợ chồng làm được bao nhiêu tài sản cũng bị anh tiêu tán hết. Đỉnh điểm là thời kỳ chị H. mang con nhỏ về Việt Nam nhờ ông bà trông giúp. Không còn người quản lý nên chồng chị đã bán hết tài sản trong cửa hàng của chị đang kinh doanh để đánh bạc. Không khuyên nhủ được chồng nên chị H. chán nản, trở về quê để nghỉ ngơi một thời gian. Chị H. chia sẻ rằng nếu chồng chị không ham mê cờ bạc thì giờ đây 2 vợ chồng cũng có "bát ăn bát để" bởi công việc ở Angola rất thuận lợi. Giờ thì ngược lại, dù bao năm mang danh đi làm ở nước ngoài nhưng anh chị vẫn trắng tay...
Vật chất, tình cảm mê hoặc
Sang nước ngoài làm việc, sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, mọi người sẽ dần quen với môi trường làm việc và cuộc sống mới. Từ đây cũng dễ phát sinh tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" trong công việc. Bởi vậy đã có không ít người bỏ trốn khỏi công ty mình đang làm để ra ngoài làm việc không hợp pháp với mức thu nhập cao hơn. Cũng có nhiều người sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước mà ở lại nước sở tại làm việc không hợp pháp. Thực trạng này đã để lại không ít hệ lụy đối với bản thân người lao động và cả xã hội nói chung. Đối với Hải Dương, một trong những hệ lụy thấy rõ của việc này là liên tục trong các năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh bị cấm XKLĐ theo chương trình EPS của Hàn Quốc. Khoảng 2 năm trước, cũng vì những cám dỗ vật chất, anh Lê Đỉnh T. ở xã Hưng Thịnh (Bình Giang) đã ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp. Theo anh T., dù lương cao nhưng cuộc sống của anh luôn phải trốn chui trốn lủi, không dám đi ra ngoài. Trong một lần ra chợ mua sắm đồ dùng cần thiết, anh T. đã bị cơ quan chức năng của Hàn Quốc bắt giữ. Anh T. phải nộp phạt gần 2.000 USD và bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Không chỉ mất cơ hội kiếm tiền mà anh T. cũng không còn cơ hội sang Hàn Quốc làm việc trong những đợt tuyển dụng tiếp theo.
Cuộc sống với những điều kiện vật chất tốt hơn nơi xứ người cũng khiến không ít người mờ mắt. Cá biệt có những người đã lập gia đình ở Việt Nam nhưng vẫn bị cám dỗ vật chất dẫn đến "tan cửa, nát nhà". Ở xã Phúc Thành (Kim Thành), rất nhiều người biết đến hoàn cảnh của gia đình bà Đào Thị L. Gia đình bà L. có 2 người con dâu đều đi XKLĐ ở Đài Loan. Đáng buồn là cả 2 người này đều không trở về Việt Nam. Họ ở lại Đài Loan lập gia đình mới, bỏ mặc chồng và các con ở nhà. Gia đình bà L. rất buồn về điều này. Nhiều lần bà L. day dứt, giá như ngày ấy, bà không để những cô con dâu ra đi...
Năm ngoái, chị Nguyễn Thị L. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cũng đã làm thủ tục ly dị chồng sau gần 10 năm đi XKLĐ. Lý do dù không chính thức nói ra nhưng hàng xóm ai cũng biết rằng gia đình chị L. "tan đàn, xẻ nghé" vì sau bao năm đi XKLĐ, chị L. đã không còn tình cảm với chồng. Mẹ con sau nhiều năm xa cách cũng trở nên xa lạ. Do đó, chị L. đã quyết định chấm dứt với chồng, tiếp tục sang nước ngoài sinh sống.
Thực tế trên cho thấy rằng, XKLĐ bên cạnh cơ hội để người lao động mong đổi đời cũng có biết bao cám dỗ. Nếu người lao động không đủ bản lĩnh thì rất dễ lâm vào cảnh "xôi hỏng, bỏng không", thậm chí là đánh đổi bằng cả hạnh phúc gia đình, để lại gánh nặng về cả vật chất và tinh thần cho người thân ở quê nhà.
NGỌC THANH