Cải cách thủ tục hành chính được đánh giá là đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cải cách tổ chức bộ máy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Một trong những nội dung được đưa ra tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là công tác cải cách hành chính. Trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.
Góp ý vào nội dung này, người dân cho rằng, cải cách thủ tục phải gắn với cải cách con người và tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp, tăng cường dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Cải cách hành chính được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thời gian qua, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; nâng cao hiệu lực hiệu quả. Vì vậy, PGS, TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, thành tựu của cả một chương trình tổng thể cải cách hành chính chưa được dành dung lượng tương xứng trong văn kiện. Văn kiện cần khẳng định, trong những năm qua, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính và đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, thời gian vừa rồi, chúng ta thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước với các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh của các tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với hành chính công. Tất cả những chỉ số đó cho thấy thành công của cải cách hành chính, thành công của công cuộc đổi mới. Mặc dù có những đánh giá chung nhưng cũng nên đưa đánh giá cải cách vào để thấy rõ những kết quả đã đạt được cũng như những kết quả sắp tới.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường quan tâm đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số được đưa ra trong dự thảo Văn kiện. Theo ông Đặng Hùng Võ, văn kiện nên đưa ra mục tiêu cụ thể, như: thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như thế nào? 5 năm sau phải đạt được kết quả như thế nào?
"Chúng ta cũng biết, cải cách hành chính ở Việt Nam hướng theo công nghệ 4.0 là định hướng lớn. Nhưng chúng ta thấy rằng, đặt ra giống như tạo hướng đi cho cải cách hành chính nhưng ở đây theo tôi nên nói rõ bước đi hay là lộ trình là 5 năm sau chúng ta đạt mức nào vì hiện nay chúng ta cải cách hành chính chưa được 3.0, sự thực mới có một số thứ làm được trên môi trường mạng", Giáo sư Đặng Hùng Võ đề nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhiều địa phương còn vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm; chưa đầu tư đúng mức cho ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ ở bước đầu, nhiều nơi chủ yếu mới chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư, mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng... Vì vậy, dự thảo văn kiện nên có kế hoạch tổng thể làm thế nào để khắc phục thực trạng này.
Cụ thể theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, trước hết phải khẳng định văn kiện đã đề cập tới một trong những vấn đề xu hướng của thế giới và Việt Nam trong thời gian tới là Chính phủ điện tử cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị của Nhà nước. Đây là điểm mới tích cực so với các văn kiện trước. Tuy nhiên văn kiện cũng nên bổ sung rõ hơn những nội dung định hướng, yêu cầu, mục tiêu và một số nguyên tắc. Mặc dù chính phủ sẽ có chương trình kế hoạch cụ thể, nhưng rõ ràng văn kiện mà định hướng rõ thì chính sách của Chính phủ sẽ tập trung hơn và đi đúng hướng hơn.
Trong các nội dung cải cách, cải cách thủ tục hành chính được đánh giá là đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cải cách tổ chức bộ máy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, không theo kịp yêu cầu của giai đoạn mới. Chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; vẫn còn hiện tượng co được chỗ nọ lại phình chỗ kia. Vì vậy, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đề xuất: "Trong văn kiện, chúng ta phải có một đoạn để làm sao sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính Nhà nước, giúp cho cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Một trong những vấn đề này, ngoài cải cách hành chính, bộ máy hành chính, chúng ta phải xây dựng được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay. Do đó, văn kiện Đại hội Đảng lần này chúng ta cần đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, cần sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, kỷ luật kỷ cương công vụ. Bên cạnh những ưu điểm cũng cần nêu khuyết điểm để chúng ta khắc phục trong nhiệm kỳ sắp tới".
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp, chắc chắn rằng, công cuộc cải cách sẽ có những đột phá trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Theo VOV